Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

What is Love?



         Từ xưa tới nay, cứ nói đến yêu thương là nói đến trái tim. Tôi có mang điều này đi hỏi một số người. Câu trả lời theo tôi luôn không thỏa đáng. Và nếu là một hình tượng ví dụ, tại sao ở đâu cũng giống nhau, thời kỳ nào cũng giống nhau? Yêu nhau mở miệng ra là trái tim thế này, trái tim thế kia. Bài hát thì luôn rền rĩ, trái tim rỉ máu, trái tim khô, trái tim ứa lệ, trái tim còn trinh, trái tim hóa đá, trái tim thổn thức.
       
        Tôi tự có câu trả lời cho tôi từ lâu. Thường những câu trả lời khó thường tự tôi tìm câu trả lời. Và im lặng chiêm nghiệm xem có đúng hay không. Tôi rất hay tìm ra những câu trả lời hóc búa với tôi như vậy trong những lúc đi bộ. Có thể chính vì thế mà tôi thích đi bộ. Kệ, tôi chẳng quan tâm, mà ai quan tâm chứ. Nhưng tôi không nói câu trả lời ở đây đâu, các bạn tự tìm câu trả lời cho mình đi. Biết đâu các bạn sau đó sẽ tìm riêng cho mình một sở thích nào đó như bơi, chạy, nghe nhạc, leo núi hay viết lách.

        Tôi chỉ biết rằng khi ta chìm trong điều mà cơ thể yêu thích. Khi mà bạn im lặng để lắng nghe cơ thể, chiều theo nhu cầu chân thật của nó. Nhu cầu không có ảnh hưởng hay ràng buộc bạn với bên ngoài. Đó chính là lúc bạn tự tìm ra chân lý. Và chân lý thì có nhiều, luôn ở đó để bạn khám phá. Không có chân lý nhỏ, không có chân lý lớn. Chân lý là chân lý. Từ ngữ đôi khi làm giảm đi ý nghĩa của bản chất sự việc. Vì thế nếu bạn ngộ được một chân lý nào, bạn hãy nghĩ về nó, chờ đợi nó chứng thực, hay sẽ xảy ra với bạn. Bởi đôi khi cái ta ngộ ra là một cái gì đó rất gần chân lý, nhưng chưa phải là chân lý.

        Tôi ngộ ra rằng, khi tôi có thêm một đứa con. Tình yêu của tôi với các con nhân lên gấp hai, chứ không hề bị chia sẻ. Nó cũng độc lập và tròn trịa như tình yêu của tôi dành cho vợ. Không phân chia. Quan điểm này hẳn khác với quan điểm của Tố hữu khi ông viết: “Trái tim tôi chia 3 phần tươi đỏ”. Tôi tự hỏi, trái tim mà cũng chia được sao? Tình yêu làm gì có sự rạch ròi chia cắt như thế. Tôi đoán rằng câu này ông viết từ khi còn trẻ, hoặc giả ông đang chỉ tới gần với chân lý mà thôi.

        Tình yêu là thứ tình cảm vô điều kiện, luôn sẵn có, và nhiều tới vô hạn. Hãy xem lại tình cảm của chính mình để hướng tới tình yêu nhé. Cũng như thở, yêu cũng phải học cả đời. Hãy lấy thứ gì đó lớn nhất mà bạn biết. Thì tình yêu sẽ lớn hơn nó hàng trăm nghìn lần, hàng triệu lần, n lần. Trước đây, tôi chẳng hiểu từ: “từ bi” của ông Phật nói tới là gì. Giờ thì tôi hiểu, đó chỉ là cách gọi khác của tình yêu.

        Khi bạn yêu một cô gái, muốn lấy làm vợ, muốn quan hệ tình dục, muốn đẻ con với cô ấy. Bạn gọi đó là tình yêu. Khi bạn có vợ, bạn yêu một cô gái khác, muốn quan hệ tình dục, nhưng không muốn đẻ con với cô ấy. Bạn cũng gọi đó là tình yêu. Đây là điều phổ biến, phải không? Nhưng một ông như ông Phật lại có thể yêu thương nhiều cô gái, nhưng không có ý nghĩ nào về việc muốn lấy làm vợ, chiếm hữu, hay bất kỳ điều kiện gì. Thứ tình cảm đó ông ta áp dụng cho cả đàn ông, người già, trẻ em, gay, les, …, với cây cỏ, muông thú, với vạn vật, với trái đất, với vũ trụ. Ông gọi đó là: “từ bi”. Người ta gọi đó là : “từ bi”. Hoặc các bạn có thể gọi đó là: “tình yêu lớn”. Như vậy, tôi có thể gọi cái tình yêu trong mỗi con người chúng ta là: “tình yêu nhỏ”. Và thế là tôi lại ngộ ra một công thức:

             A = B - C
           Trong đó    A: là tình yêu lớn (từ bi)
            B: là tình yêu nhỏ
            C: là các mong muốn, điều kiện với người mình yêu

        Nghĩa là khi bạn tự cởi bỏ những ràng buộc đạo đức, pháp lý, văn hóa, truyền thống. Những thứ làm vướng cẳng bạn khi yêu thương. Thì tức khắc tình yêu nhỏ trở thành tình yêu lớn, B trở thành A. Quá trình cởi bỏ này diễn ra dần dần. Khi sự cởi bỏ tới một mức nào đó, trong hôn nhân người ta gọi đó là bình đẳng. Trên mức đó gọi là yêu vợ (chồng) hết mực. Trên nữa, trên nữa, trên nữa, trên nữa, … người ta gọi là từ bi, tình yêu lớn.

        Các bạn có thể có tình yêu lớn với một người, hai người, hay nhiều người. Tình yêu lớn của ông Phật là vô hạn với vô cùng. Nghĩa là ông yêu thương từ ngọn cỏ, cái lá, con kiến, tới trăng sao, vũ trụ. Bất kể cái gì có trong từ điển của bạn, và bất kể cái gì không có trong từ điển của bạn. Một tình yêu tràn khắp không ngừng nghỉ, kể cả khi ông chết.

        Nhưng các bạn cũng đừng vì thế mà băn khoăn. Vì tình yêu lớn là tình yêu lớn. Nó luôn là như nhau, không đong đếm được. Người ta thường có xu hướng muốn so sánh cái này với cái kia, để che giấu sự sợ hãi trong chính mình mà thôi. Vì thế nếu bạn đang có tình yêu lớn, hoặc giả bạn đang trên đường tiến tới nó, trở thành nó. Chẳng có khoảng cách nào giữa bạn với ông Phật, Jesus, hay bất kỳ ai khác tương tự.

        Nhưng các bạn có thấy vô lý không, khi mà cứ bỏ đi, trừ đi, thì nó lại to lên? Nó vô lý bởi các bạn luôn được giáo dục như thế. Các bạn luôn nhìn thấy điều trái ngược trong cuộc sống của các bạn, bạn học và áp dụng nó trong cuộc sống. Cộng vào, mới to ra, trừ đi, tức nhỏ đi. Đó không phải là điều tôi muốn nói tới. Vì nếu thế, các bạn có thể thấy ở bất kỳ quyển sách nào tương tự, nhưng không phải ở đây. Tôi không hề có ý nói rằng, quan điểm các bạn đang có là sai. Tôi chỉ muốn nói rằng, quan điểm đó không phải lúc nào cũng đúng.

        Nói tới đây chắc các bạn hình dung được tại sao một cô gái lại rời bỏ chồng đi theo một người đàn ông xa lạ mới quen. Các bạn gặp điều này quá nhiều, ngay cả trong cuốn: “24h trong đời một người đàn bà” của Stefan Zweig, văn sỹ người Áo cũng mô tả hành động đó rật rõ nét. Những hành động này, chỉ nói lên một điều rằng: Những người phụ nữ đó đã luôn mong muốn có một tình yêu lớn từ người mình yêu. Và họ luôn tìm kiếm nó. Thứ tình yêu vô điều kiện, không ràng buộc, trọn vẹn, thuần khiết và vô cùng. Tất nhiên, không phải ai cũng tìm ra, kể cả bằng các bỏ đi như thế. Có người phải lộn đi lộn lại hàng nghìn năm, thậm chí hàng trăm nghìn năm chỉ để hiểu điều này.

(trích trong 7 DAYS of mine)


Phần next

Phần next next

3 nhận xét: