Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Chùa là gì? (Phần 1)


Mọi người thường cười cợt khi tôi hỏi: "Chùa là gì?". Nhưng mọi người chẳng ai cười được khi tôi hỏi tiếp: "Từ CHÙA xuất phát từ đâu, và ý nghĩa như thế nào?". Và tôi kết thúc với một câu hỏi cuối cùng: "Đi chùa để làm gì?". Thì vô số các câu trả lời mang tính chất răn dậy không ngớt phủ lên đầu tôi, tràn vào đặc kín hai bên tai tôi. Choáng.
Thực ra tôi biết câu trả lời rồi. Vì đầu tiên là tôi hỏi tôi. Và tôi tự trả lời. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ sự tự trả lời đó với người khác. Thế là tôi mang nó đi hỏi những ai tôi có thể hỏi được. Điều tôi muốn không phải là câu trả lời họ nói với tôi. Mà việc gieo câu hỏi vào trong tâm trí. Để rồi câu hỏi đó lớn lên trong họ theo năm tháng, rồi tự họ cũng trả lời được.

Các câu trả lời này không nhất thiết phải giống nhau, và phải giống câu trả lời của tôi. Tôi cũng không quan tâm đến câu trả lời của họ. Tôi chỉ quan tâm tới câu hỏi của tôi. Đó là điều tôi cần nhấn mạnh.

Nhưng trong blog này, tôi sẽ chia sẻ các câu trả lời của tôi, cho chính câu hỏi của tôi cho các bạn.

Tôi trả lời câu hỏi thứ hai trước: "Từ CHÙA xuất phát từ đâu, ý nghĩa như thế nào?"

Từ "CHÙA" có hơn một nguồn gốc. Nguồn gốc đầu tiên xuất phát từ chữ "TỰ" tiếng Trung Quốc "寺", đọc phiên âm là "SHƯ" hoặc "SƯ". Từ Sư trong từ ông Sư cũng xuất phát từ âm thanh này. Giờ thì các bạn hẳn đã rõ, tên chùa thường có chữ Tự đi sau cùng. Ví dụ chùa Mía thì là Mía Tự, chùa Dâu thì là Dâu Tự.

Nhưng nguồn gốc của từ "TỰ" hay "寺" lại ở đâu ra? Vì từ "寺" này có ở Trung quốc từ rất lâu. Trong khi Phật giáo du nhập vào mới chỉ gần hai nghìn năm trước. Phật nhập tịch đến cả vài trăm năm, thì Trung quốc mới cử người đi thỉnh kinh. Vậy thì từ "寺" này ở đâu ra?

"寺" hay "TỰ" xuất phát là từ để chỉ nơi làm việc của cơ quan hành chính trong hệ thống quản lý của Vua Trung quốc thời xưa. Nhưng tại sao bỗng chốc "TỰ" từ một nơi chỉ nơi làm việc của quan chức, lại trở thành nơi thuộc tôn giáo? Điều này cũng có nguyên nhân.

Hán Minh Đế Lưu Trang (0025-0075) một đêm nằm mơ thấy một người đầy sắc vàng, bay vào trong cung, mình tỏa hào quang. Vua bèn hỏi quần thần. Vua được trả lời có một ông tên "Phật" ở Tây vực ( Tây thiên) được người đời kính trọng. Đây có thể là người mà Vua đã mơ thấy. Vua bèn cử Lang Trung Thái Âm dẫn đầu đoàn 12 người sang Tây vực tìm hiểu và cầu Đạo. Đoàn đi từ năm 64 đến năm 67 thì về, mang theo rất nhiều kinh sách và tượng Phật thồ trên lưng ngựa trắng, cùng 2 tăng nhân người Ấn độ. Năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Bình, đoàn về tới Lạc dương, Đông hán.

Hai vị tăng nhân người Ấn độ này tên Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Được Vua sắp xếp cho nghỉ tại Hồng Lư Tự, nơi của các quan chức ngoại giao. Cùng lúc, ông cho xây một tòa "TỰ" khác để làm chỗ cho 2 vị tăng nhân thuyết pháp. Chữ "TỰ" vẫn được giữ nguyên khi xây xong tòa nhà này. Và đó là lúc mà Phật giáo Ấn độ bắt đầu du nhập vào Trung quốc. Chùa này tên Bạch mã Tự để ghi nhớ công của chú ngựa trắng đã mang kinh và tượng Phật vào Trung quốc. Và cũng là ngôi chùa Đầu tiên của Trung quốc.

Nguồn gốc thứ hai xuất phát từ chữ "GIÀ LAM" "伽 藍". Già lam xuất phát từ Tăng già lam ma (Sangharama). Tăng già chỉ một nhóm tăng nhân đi hoằng pháp, thường từ bốn người trở lên. Và Tăng già lam ma chỉ nơi ở của các tăng nhân tu hành. Sau thì cũng gọi là "CHÙA".

Vậy các bạn đã biết nguồn gốc của "CHÙA" từ Trung quốc. Nhưng tại sao VN ta lại gọi là "CHÙA"? Tôi có vẻ rắc rối nhỉ?

Chùa trong tiếng Hán việt đọc là Trù. Trù nghĩa gốc là bếp, nơi nấu nướng trong gia đình. Nhưng trong tiếng Hán việt thì Trù phòng là nơi chỉ chỗ ấm cúng, yên bình trong mỗi gia đình.

Người ta cũng hay nói CHÙA CHIỀN. Vậy CHIỀN nghĩa là gì?

CHIỀN cũng là một từ xuất phát từ chữ Hán việt. Mà gốc là Triền. Chỉ nơi ở của người dân nói chung.

Và như các bạn thấy, hiện nay Chùa Chiền thuần việt có ý nghĩa rộng hơn. Một khuân viên mang tính chất tôn giáo, thắng cảnh, ...

Và cũng xuất phát nhiều từ ăn theo vui vẻ hơn: Tiền chùa, của chùa, ...

Bài tiếp: "Đi chùa để làm gì?"

Bài tiếp: "Chùa là gì?"
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét