Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Ràng buộc (phần 2)

Bạn thân mến. Nếu trong phần trước tôi đã nói về những sự ràng buộc sơ cấp. Sơ khởi, và không thể tránh. Thì trong phần hai này. Tôi sẽ nói về những ràng buộc thứ cấp. Và hoàn toàn có thể tránh, hoặc hoàn toàn có thể cởi bỏ. Sóng vẫn cứ táp trên đầu chúng ta. Và chúng hãy là những người lướt sóng, đi trong lòng cơn sóng. Cảm nhận, và chấp nhận nó. Thay vì luôn tránh nó, hoặc chạy trốn nó.


Sự ràng buộc tiếp theo chính là những mối quan hệ của bạn. Bố, mẹ, ông, bà, gia đình, bạn trai, bạn gái, bạn học, thầy cô giáo, ... Những sự ràng buộc này tinh tế và siết nhẹ nhàng vào bạn đến nỗi bạn không hề nhận ra nó ra những thứ đang trói buộc bạn. Bố mẹ cho bạn tiền, vậy là bạn lệ thuộc vào nó. Bố mẹ vì là người cho bạn tiền, nên cũng lệ thuộc vào nó để đưa ra điều kiện với bạn. Sẽ là một mối quan hệ trên dưới, đúng sai được sắp đặt sẵn khi đặt nó trong hoàn cảnh này. Điều một, bố mẹ luôn đúng. Điều hai, bố mẹ không đúng xem lại điều một. Trong khi mối quan hệ này hoàn toàn có thể được cải thiện từ hai phía. Và mối quan hệ tốt đẹp này đã có ở rất nhiều gia đình tôi biết. Nhưng không phải là số nhiều. Nếu nhận ra điều này, có thể nó sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận khi đối xử với con mình, hoặc với bố mẹ mình.

Những mối quan hệ với bạn bè. Luôn rắc rối, và đầy trắc trở. Tìm thấy một người bạn thân, giữ mối quan hệ đó lâu dài là điều không dễ dàng. Bản thân chúng ta đang thay đổi, suy nghĩ - hành động - lời nói chúng ta đều đang thay đổi hàng ngày hàng giờ. Bạn chúng ta cũng như vậy. Hôm nay điều này là phù hợp, đồng nhất giữa hai chúng ta, nhưng nó sẽ không phải như thế trong ngày mai. Nhóm bạn này không phù hợp, chúng ta tìm nhóm bạn khác. Thậm chí không có nhóm bạn nào. Chỉ có một mình ta vẫn ổn.

Nhưng thực chất không phải vậy. Vì bản thân bên trong các bạn đang trống rống, các bạn luôn sợ cô đơn, sợ không được khẳng định mình, sợ không khẳng định được mình. Nên các bạn luôn lao ra bên ngoài tìm kiếm các mối quan hệ cho mình.

Mối quan hệ thể hiện đẳng cấp của các bạn. Và các bạn luôn sợ hãi khi đẳng cấp của mình bị sụt giảm. Các bạn sợ hãi khi bị cô lập trong đám đông, hay bị ai đó chỉ ra thói hư tật xấu của mình trước bạn bè. Các bạn chỉ muốn có một cái vỏ đẹp đẽ, tròn trịa, hoàn hảo. Để giương nó ra, thể hiện. Sự thể hiện này đôi khi còn bổ sung bằng việc nói xấu hay bóc mẽ người khác, với những quan điểm phán xét, tiêu cực của bản ngã.

Rất nhiều người đã không đứng dậy được khi bị quỵ ngã trong các mối quan hệ bạn bè này. Đó là điều không phải ai cũng biết hoặc thẳng thắn thừa nhận.

Chỉ cần các bạn nhìn ra nó, hiểu rõ nó. Các bạn hoàn toàn có thể cởi bỏ nó dễ dàng. Khi bên trong các bạn luôn ấm áp, hạnh phúc. Bạn không cần phải lao ra ngoài để bù đắp phần bên trong trống rỗng nữa. Vì càng bù đắp, bên trong lại càng trống rỗng hơn. Dù các bạn có gọi nó là gì đi chăng nữa, thì nó vẫn là trống rỗng.

Các bạn có thể kết bạn, có thể chia tay. Nhưng các bạn hiểu rõ và không có ai bị động. Ví dụ rất điển hình khi hai con linh dương không chơi với nhau nữa. Nó không thù ghét gì nhau sau đó. Thậm chí sau khi hai con linh dương đấu sừng cả nửa ngày trời. Khi nhận ra mình không thể thắng, nó tự động quay đầu bỏ đi.

Một ví dụ khác, Cesar Millan đã từng đưa một con chó cụt chân vào một đàn chó bình thường. Đàn chó lúc đầu tìm hiểu xem con chó mới này có phù hợp với đàn không. Nếu không phù hợp con đầu đàn sẽ tỏ thái độ rõ ràng. Nếu phù hợp, chúng sẽ cho nhập đàn lập tức. Chúng sẽ chơi đùa vui vẻ. Không hề có thái độ kỳ thị, miệt thị như đa số trường hợp trong xã hội loài người.

Khi không có những cú quỵ ngã siết chặt lấy mình, bạn vướng cũng sẽ chẳng vướng vào các mối quan hệ rối như bòng bong nữa và ngược lại. Các bạn sẽ biết cách duỗi thẳng những mối quan hệ của mình ra. Sắp nó thẳng thắn. Yêu quý nó, và trân trọng nó.

Một sự ràng buộc khác không kém phần quyết liệt và tạo những điểm nhấn mạnh mẽ trong cuộc đời bạn. Đó là những sự ràng buộc với người yêu, vợ (chồng) của bạn, tình nhân của bạn, và đủ thứ tương tự. Tôi sẽ nói trong phần tiếp.

Phần 1

Phần 2 tiếp

Phần 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét