Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Chúng ta là những đứa trẻ


Tôi có nghe được chuyện này. Một cậu bé bị tai nạn rồi rơi vào hôn mê sâu, sống thực vật. Mẹ cậu bé tuyệt vọng vì không biết làm thế nào. Có một lời khuyên cho bà. Rằng hãy nói chuyện với cậu bé những kỷ niệm vui nhất và buồn nhất mà bà còn nhớ được. Nếu kỷ niệm buồn do bà gây ra với cậu, thì bà nên xin lỗi. Phép lạ xảy ra khi cậu tỉnh dậy. Cậu nói con nghe thấy tiếng mẹ trong khi ngủ. Và ai đó đánh thức con dậy để gặp mẹ.

Chúng ta phức tạp và tinh vi đến vô cùng cả về mặt cơ thể lẫn tâm sinh lý. Nhưng khi kết thành một thực thể rồi khoác lên người bộ quần áo. Thì mọi thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là một cái vỏ hết sức mờ nhạt và thiển cận. Lời nói và hành vi không biểu lộ hết được bản chất chân thật của con người đó.

Mọi mâu thuẫn trong xã hội giữa hai con người, hai đất nước, hai tôn giáo đều bắt đầu từ những đánh giá qua vẻ bề ngoài. Hiểu sai về nhau nhiều và dầy đặc nhất không gì khác ngoài quan hệ vợ chồng. Tuy thế, mối quan hệ này được đánh giá cao về khái niệm "hiểu biết lẫn nhau". Cá biệt có vài mối quan hệ bạn thân, hay bố mẹ với con cái.

Không thể hiểu nhau nếu không bắt đầu bằng những hiểu nhầm. Và trải qua hiểu nhầm, chúng ta mới hiểu nhau hơn. Những trải nghiệm cá nhân trong môi trường gia đình là vô giá. Vì qua đó, những bài học luôn diễn ra với một cá thể.

Điều hối tiếc nhất với một người sắp qua đời, luôn là chưa làm được điều gì đó cho người thân. Bài học lớn nhất của đời người, luôn là bài học tha thứ cho chính bản thân mình.

Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu bé không tỉnh lại? Nếu bà mẹ tự trách mình cho tới khi chết. Thì cuộc thi lớn nhất đời bà, bà chưa vượt qua được.

Vì thế, hãy tĩnh tâm nhìn sâu vào bên trong mỗi con người, mỗi mối quan hệ. Để tha thứ, để hàn gắn, để yêu thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét