All you need is love, all you need is love, all you need is love, love. Love is all you need.
Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013
Cú nhẩy
"Cú nhẩy" là khái niệm được tôi đã nhắc tới vài lần trong số các bài viết trước đây.
Để phân biệt rõ việc "đi bộ", "chạy", "nhẩy", hay "cú nhẩy". Cần phải hiểu rõ bản chất của chúng trong những sự việc cụ thể. Xét theo hiểu biết đơn giản. Thì đi bộ là việc diễn tả khi một người di chuyển trên đường bằng hai chân, lúc nào cũng có 1 chân chạm đất. Chạy cũng diễn tả một việc tương tự, nhưng có một thời điểm hai chân không chạm đất và chân trước chân sau.
Nhẩy là một động từ mạnh hơn chạy hoặc đi bộ. Vì nhẩy cũng giúp ai đó di chuyển trên đường, với 2 chân không chạm đất, nhưng 2 chân luôn ở cùng 1 phía. Và "Cú nhẩy" chỉ rõ một sự quyết tâm, một sự bứt phá để vượt qua thứ đó.
Nhìn vấn đề một cách sâu hơn. Ta có thể thấy, nếu như đi bộ hay chạy thường diễn ra trên đường bằng. Cho dù nó có gồ ghề hay lồi lõm, thì vẫn là đường bằng. Nhưng một cú nhẩy, thường diễn ra giữa 2 điểm. Mà từ điểm này tới điểm kia là khoảng giữa khó có thể vượt qua theo cách thông thường như chạy hoặc đi bộ. Đó có thể là một con suối, một vũng lầy, một chướng ngại nhỏ. Nhưng đó cũng có thể là một vực sâu, nơi định kiến và chấp ngã đầy rẫy và lấp đầy sợ hãi.
Trong con người, luôn có 3 phần rõ ràng: Bản năng - Lý trí - Trực giác. Xét ở một góc độ nào đó, bản năng và trực giác gần như nhau. Khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ, bản năng được lập trình sẵn cho cơ thể, còn trực giác được lập trình sẵn cho tâm thức.
Bạn thở, đó là bản năng. Bạn hầu như quên mất bản năng cơ bản, quan trọng, đầu tiên và cuối cùng này của bạn trong suốt cuộc đời. Bạn thở trong mọi lúc, chơi, nghe nhạc, thiền, ngủ, thậm chí khi hôn mê. Tim đập cũng là một bản năng khác của cơ thể. Sợ hãi cũng là một bản năng. Một số người khỏa lấp nỗi sợ hãi bằng cách đi bắt nạt kẻ khác, muốn làm kẻ mạnh. Bản chất vẫn là một dạng bản năng, mà cái gốc là sợ hãi.
Bạn muốn kiếm thật nhiều tiền, bản chất sâu sắc là vì bạn sợ nghèo đói. Bạn muốn thật khỏe mạnh, vì bạn sợ ốm yếu. Bạn muốn thật xinh đẹp, vì bạn sợ xấu xí. Bạn muốn có nhà to đẹp, vì bạn sợ ngủ ngoài đường. Bạn muốn mọi thứ, vì bạn sợ mất mọi thứ. Đó là bản năng. Có người tự làm mình hài lòng để che dẫu nỗi sợ bằng sự đam mê, niềm yêu thích, ... Nhưng đi về gốc của sự việc. Vẫn là những nỗi sợ vô hình, như một đứa trẻ sợ ma.
Bản năng này có đôi chút khác biệt với bản năng của động vật. Động vật chỉ đơn thuần là bản năng, giống như bạn thở, tim bạn đập. Điều khác ở đây, là bản năng của bạn được lái theo hướng của suy nghĩ, của tâm trí. Mà tâm trí thì luôn so đo, tính toán, hơn thiệt. Và sợ hãi.
Tâm trí của bạn được bồi đắp từ gia đình, từ xã hội. Suy nghĩ của bạn bị gọt dũa, bẻ nắn từ bé tới lớn. Mọi thứ phải luôn được tính toán. Bạn phải đạt điểm A, bạn phải thành đạt trong cuộc sống. Bạn phải trở thành một ai đó mà mọi người mong muốn. Bạn thậm chí không có thời gian để nghĩ xem mình muốn trở thành cái gì, và còn không kịp có cơ hội thực hiện nó. Cuộc sống mà bạn đang có lôi tuột bạn đi, bạn không thể dừng lại. Như trong một trò chơi, bạn được lập trình để hành động. Trên con đường đó, một giây phút bạn đứng lại được. Chỉ một giây phút thôi, bạn sẽ mong muốn được nhún hai chân, nhẩy một cú, và bạn thoát. Nhưng toàn bộ những gì bạn có trong đầu, sẽ ngay lập tức từ chối, phản bác và đe dọa bạn. Những lời thì thầm, đó là tự sát, đó là điên rồ, đó là ngu xuẩn sẽ dập tắt ngay đốm lửa mới nhen nhúm. Và thế là bạn quay đi. Bạn lựa chọn đi tiếp, thi thoảng chạy, và đi tiếp. Lối mòn do những người đi trước tạo nên, bạn chỉ cần đi đúng như vậy. Thế là an toàn.
Nhưng trong một giây phút đó, chính lúc ngọn lửa nhen nhóm. Bạn không kịp nghĩ, bạn nhẩy. Cú nhẩy là sự kết hợp của cả bản năng cơ thể, lẫn trực giác của tâm thức. Không có một chút nào của tâm trí, của suy nghĩ. Bạn có thể sẽ chưa sang được bờ bên kia, nhưng bạn đã thoát ra khỏi bờ bên này.
Đức Phật là một người như thế. Cuộc đời ông là một minh chứng vĩ đại cho một cú nhẩy vĩ đại. Trong 6 năm ròng rã, đã đi bộ, đã chạy, đã đi theo lối mòn của những người đi trước. Và chẳng có gì xảy ra cả. Trong giây phút, ông đã nhún hai chân để nhẩy một cú nhẩy. Ông quyết định ngồi dưới gốc bồ đề, và không đứng dậy nếu chưa có được sự giác ngộ. Đó là một quyết định tự sát. Ông không cần biết làm thế nào, làm cách nào, hay làm gì để có được sự giác ngộ. Ông chỉ ngồi, im lặng. Và sự im lặng đó là sức bật của cú nhẩy. Sức bật lớn nhất ai cũng có, nhưng ít ai làm được như ông.
Khi tâm trí không vầy vò con người. Thì tâm thức ùa vào. Khi tâm trí bằng 0, thì tâm thức cực đại. Cú nhẩy vĩ đại kia là cú nhẩy từ tâm trí vào biển tâm thức, với sức bật là sự im lặng. Đó là điều tuyệt vời nhất nếu tôi phải chọn trong các điều tuyệt vời khác trên thế giới mà tôi biết.
Trong các bài viết trước, tôi có nhắc đến rất nhiều về việc chạm tới tâm không (0) với sự cực khoái. Bạn bắt đầu với một hành vi bản năng cơ thể, và kết thúc với sự chạm nhẹ vào tâm thức. Cú chạm đó đủ để loài người luôn đi tìm kiếm trong suốt quá trình phát triển trong thời đại này. Đủ để thấy, cảm giác sung sướng hạnh phúc khi không có suy nghĩ nào trong đầu. Tại sao tôi cứ nói về việc này. Bởi việc đó nhiều người đã nếm trải, và vì đó là một việc thật dễ, các bạn hãy cứ nếm trải tiếp tục. Nhưng nếu tôi nói về trải nghiệm chết hụt, hay chứng ngộ trong thiền định. Thì sẽ ít người được nếm trải hơn. Nhưng thực sự, nó đều là như nhau. Rất nhiều người chạm được tới tâm không (0) trong khi tắm. Tôi không hề nói tới việc thủ dâm, mà chỉ là sự thư giãn khi được tắm. Sự thư giãn trong khi tắm, ngâm mình trong nước ấm đôi khi lên tới mức cực đại. Cũng khiến cho tâm trí của bạn biến mất. Và chỉ cần tâm trí biến mất, tâm thức sẽ ùa vào. Những cú nhẩy như vậy, là những cú nhẩy của bản năng. Và cũng vì thế, nó không phải là một cú nhẩy đi hẳn. Nó chỉ chạm vào rồi lại bật trở lại.
Nếu bạn thật sự muốn có một cú nhẩy, để không bật trở lại. Bạn cần nhẩy bằng trực giác. Nó giống hệt như bản năng, nhưng ở một mức độ rung động về tinh thần, không phải rung động về thể xác.
Tôi đã có rất nhiều cú nhẩy. Và những cú nhẩy đến với tôi cả trong lúc tôi đang thiền định. Kể cả khi thiền định, bạn sẽ vẫn có những cú nhẩy tiếp tục. Nếu không có những cú nhẩy, bạn sẽ vẫn ở trong thế giới mà bạn chưa nhẩy đi. Bạn sẽ phải tập nhẩy cho tới khi nào nhẩy được khỏi đó. Sự tiến hóa của linh hồn sẽ không cho phép bạn dừng lại. Bài học sẽ được lặp đi lặp lại đủ cho đến khi nào bạn nhận ra.
Bạn cũng đừng chờ mong chỉ nhẩy một cú rồi thành công. Nếu bạn mong chờ điều đó, nó sẽ không bao giờ thành công. Bởi lẽ, mong chờ, đồng nghĩa với việc bạn đang nghĩ. Mong chờ, đồng nghĩa với sự sợ hãi sâu sắc mà có thể bạn không dám thừa nhận.
Chỉ nhẩy. Thế thôi.
PS: Viết cho Huong Class sau buổi nói chuyện.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cảm ơn bạn. Bài viết rất hay. Thing thoảng chúng ta nhảy sang nhà thăm nhau nhé.
Trả lờiXóaokie :)
XóaMột cái nhảy vào cái chết của thân xác và tâm trí qua một cơn thập tử nhất sinh Ta lắng nhìn thân xác đang từ từ chết tâm trí lần lần yên lắng ta nhận ra mình bất tử Cú nhảy này có thể là một tình cờ trong thời điểm cận tử Thật hạnh phúc biết bao cho ai đã từng trải nghiệm giờ phút linh thiêng này
Trả lờiXóaVâng, đó là những trải nghiệm thật sự không bao giờ quên.
Xóa