Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

DAY 7 – NGÀY THỨ 7


... Nếu ai đó đọc và nói rằng tôi đã chạm đến sự giác ngộ. Thì tôi phải đính chính ngay. Rằng không phải. Đây chỉ là chứng ngộ.

Sự giác ngộ là toàn giác, là đại giác, là đi vào trong đại định. Lúc tâm thức của mình hòa vào tâm thức của vũ trụ, không tách rời, không riêng biêt. Vĩnh viễn từ đó về sau. Việc này không tương đối, việc này tuyệt đối. Vì nó không nằm trong những khái niệm con người có thể hiểu được. Nó cũng không được thừa nhận trong khoa học, trong giáo dục, trong bất kỳ đâu trong suốt cuộc đời bạn. Nơi mọi thứ là tương đối, luôn đúng hoặc sai, đen hoặc trắng, hoặc thế này hoặc thế kia. Nơi mọi thứ bị phân tách, chia rời. Nơi mọi người cứ học đi học lại mãi những bài học cũ và mọi người vẫn chẳng biết gì về mình cả.

Giác ngộ khác, giác ngộ là tuyệt đối. Còn tôi chỉ mới bước chân vào sự chứng ngộ. Không hề lầm lẫn, ảo tưởng, hay tự huyễn hoặc mình. Sự chứng ngộ này có thể xảy ra một lần, hai lần hoặc nhiều lần. Nó sẽ xảy ra với bất kỳ ai. Khi hoặc là tình yêu vô điều kiện trong bạn đủ lớn, hoặc bạn im lặng đủ lâu. Sự chứng ngộ xảy ra khi tâm thức bạn thoát ra ngoài tâm trí, một phần hoặc nhiều phần. Tâm thức bên trong đó được tiếp xúc với biển tâm thức bên ngoài. Trong phút chốc, bạn thấy những thứ chưa thấy, nghe thấy những thứ chưa nghe, và biết những thứ chưa biết. Nhưng nó chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn rồi kêt thúc. Rồi lại có thể bắt đầu lại.

Khi bạn xem một bộ phim hay, bạn rung cảm với nhịp đập của nhân vật. Bạn cảm nhận rõ ràng thông điệp của bộ phim truyền tải. Bạn hiểu nó, nhận biết nó. Bạn có thể khóc cùng nó, cười cùng nó, hòa vào nó. Cảm giác ngất ngây, lâng lâng xuất hiện trong bạn. Đơn giản thế thôi, nhưng cũng là chứng ngộ.

Điều này cũng có thể xảy ra khi bạn leo lên được một đỉnh núi cao. Vượt qua một đại dương. Hay đơn giản chỉ là đi bộ được một quãng đường. Đọc một quyển sách. Hay làm tình với một cô gái bạn yêu. Tất cả đều có thể dẫn tới một trạng thái chứng ngộ tức thời. Cảm giác đó luôn xảy ra với mọi người. Chỉ là mọi người bỏ qua nó, không nhận biết nó.

Nhưng nhiều người khi đã nếm trải cảm giác này rồi, lại nhận ra mình không thể giữ nó được lâu. Nó luôn biến mất. Tâm tham nổi lên, và bạn cất công đi tìm kiếm nó. Có khi được, có khi không. Bạn có thể gọi đây là tuýp người nghiện khám phá, nghiện thành công.

Việc sử dụng chất gây nghiện tạo ảo giác mà giới trẻ từ lâu đã sử dụng. Cũng có thể gọi là chứng ngộ cưỡng bức nhân tạo. Bạn chẳng cần làm gì cả. Chỉ cần bỏ tiền mua thứ gì đó tương tự. Cảm giác thăng hoa, lâng lâng cũng sẽ đến. Nhưng nó khác hoàn toàn với các hành động tôi nêu trên. Khi đạt được chứng ngộ, chủ thể làm chủ hành động đó, biết rõ việc đó. Thì chứng ngộ qua chất gây nghiện lại làm cho chủ thể đã mê mờ lại càng mê mờ thêm. Anh ta sẽ như một con rối bị giật dây, chìm vào trong mê mờ mê mờ của mê mờ không lối thoát.

Đã có những bậc tu hành dùng chất gây nghiện để làm công cụ cho mình trong con đường tiến hóa tâm thức. Cũng như người khác tìm sự trợ giúp như đá thạch anh, ngồi bên cây cổ thụ nghìn năm, hoặc tìm đến nơi địa linh tu tập.  Tất cả các công cụ đó là như nhau. Và bậc tu hành này hiểu rõ đó chỉ là công cụ tạm thời, không phải mục đích. Chỉ là công cụ, không phải mục tiêu. Đó là sự khác biệt lớn giữa người tu hành và người nghiện dùng chất gây nghiện.

Chắc các bạn còn nhớ Steve, Steve Jobs lừng danh với Apple của chúng ta. Bản thân ông cũng là một bậc tu hành từ thời trẻ. Khi đó ông ăn chay trường và dùng LSD ( chất gây nghiện thời đó). Nhiều các nhân vật tăm tiếng trong giới nghệ sỹ đều sử dụng chất gây nghiện như Bob Dylan, John Lennon, Kurt Cobain, … Một số người sử dụng nó thành công như một công cụ tốt. Số khác sử dụng nó như mục đích để đạt được. Đó là sự khác biêt.

***

Còn nhiều điều khác biệt xung quanh bạn. Bạn có nhận ra rằng xã hội càng văn minh thì từng cá thể trong xã hội đó ngày càng khép kín trong  vỏ bọc của mình hay không? Người này càng giầu lên, thì người kia càng nghèo đi. Dù sự giầu có đó được giải thích bằng thông minh, nhanh nhẹn, biết nắm bắt thời cơ, hay may mắn. Mặt đất bằng phẳng được đào lên, núi đất càng cao, thì hố càng sâu.

Họ sẽ bớt yêu thương, chia sẻ, bớt cảm thông và tự cô lập mình với tất cả. Quy luật càng … càng … này là điều tất yếu để đi đến một sự đổ vỡ. Càng phá rừng thì càng lũ lụt. Càng đào mỏ thì càng động đất. Càng nhiều tài sản thì càng nhiều tội ác. Và càng chữa bệnh thì con người lại càng ốm yếu. Càng tích trữ vũ khí, thì càng nhiều chiến tranh. Mặc cho lý do tích trữ đó là phục vụ cho hòa bình, gìn giữ hòa bình trên thế giới. Những nghịch lý này không bao giờ được chính quyền các nước đưa ra công bố. Nhưng nếu tinh ý và chịu tìm kiếm thông tin. Bạn sẽ có số liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập đã nói nhiều về vấn đề càng … càng … mà tôi vừa nêu.

Nhưng khi sự đổ vỡ lên đến cực điểm. Lại là sự khởi đầu mới đầy sán lạn. Hãy hy vọng thế, các bạn của tôi. Hãy luôn hy vọng và nuôi dưỡng cho mình một tình yêu thương vô điều kiện. Bạn sẽ bước vào thời kỳ mới với tình yêu thương tuôn chảy trong trái tim.

Trích trong 7 DAYS of mine.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét