Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Thiền (phần 3)

 
Các bạn đã biết về khái niệm Thiền, cách thức Thiền qua hai phần trước. Phần này tôi nói tới những việc sẽ diễn ra sau khi các bạn Thiền.


Khi bạn đã hiểu chữ Thiền. Nghĩa là bạn đã thực hành trong yên lặng đủ lâu. Bạn sẽ thấy rằng hiểu, không có nghĩa là có thể diễn đạt được chỉ trong vài từ. Nhưng hiểu là hiểu. Thế là đủ.

Với sự yên tĩnh bên ngoài, bạn sẽ có một chút sự yên tĩnh bên trong. Sự yên tĩnh bên trong sẽ tăng dần lên cùng với sự chăm chỉ luyện tập của bạn. Tới một lúc, sự yên tĩnh bên trong và bên ngoài không còn khoảng cách, và bạn biến mất. Đó chính là Thiền.

Trong phần 1 tôi có nói: "Thiền là một danh từ, một khái niệm. Khái niệm này được tóm tắt để chỉ một chuỗi những hành động hoặc không hành động, của một người hay một nhóm người. Mục đích làm tăng trưởng sự nhận biết lên tới mức cực đại."

Theo Thiền tông, thì mức cực đại ở đây, chính là điểm tuyệt đối khi biên giới giữa bên trong và bên ngoài biến mất. Còn với Mật tông, mức cực đại lại là thời điểm thăng hoa năng lượng trong bản thể của bạn. Khi năng lượng của 7 luân xa của bạn hòa làm một. Nếu nhìn với Tuệ Nhãn, bạn sẽ thấy mỗi luân xa có 7 phần, như 7 cánh của một bông hoa xoanh quanh 1 cái nhị. Tương ứng với 7 mức năng lượng. Mức cực đại xảy tới khi 7 cánh hoa hợp nhất, không có phân chia. 7 luân xa cũng hợp nhất, không phân chia. Năng lượng trong cơ thể bạn không phải bắt đầu từ Luân xa 1 nữa. Nó cũng không đi tới điểm cuối là Luân xa 7 nữa. Không có sự phân biệt nào cả, không bắt đầu, không kết thúc. Với Công giáo, với Jesus, mức cực đại đó chính là khi ông nói bạn đã hòa nhịp cùng Thiên chúa (God).

Và bạn sẽ tiếp tục nhận biết thêm nữa. Tôi sẽ nói về vấn đề này sau, khi giải thích với bạn rằng, trên cả Luân xa 7, bạn còn những Luân xa tiếp nữa phía trên, không nằm trên cơ thể bạn.

Nhưng, Thiền không phải là công cụ để đạt những mục đích như tôi mô tả ở trên. Những việc đó sẽ tới với tùy người, tùy lúc, tùy Duyên. Hãy nhớ rằng thiền là một quá trình tăng trưởng sự nhận biết. Và Phật không hề ngẫu nhiên khi nói tới khái niệm: hoa nở từ tâm. Đó là một sự thật, một sự nở hoa từ bên trong. Nhưng Phật đã rất tinh tế, đầy hình tượng và sự truyền cảm với những câu nói của mình.

Thiền cũng không sung sướng như nhiều người nghĩ. Bởi khái niệm sung sướng của những người chưa hành Thiền, ăn Thiền, sống Thiền khác xa với khái niệm có được hỷ lạc trong Thiền. Những nỗi niềm ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao, cửa rộng, ... đều không có trong Thiền. Thiền cũng không mang lại tiền bạc, công danh, sự nghiệp, hay đáp ứng một lời cầu xin nào đó từ ai đó trông đợi.

Bạn sống trong cuộc đời, bạn nghĩ mình là một cốc nước đầy, nhưng luôn vơi hơn một ai đó. Đến với Thiền, bạn cần đổ bớt đi một chút nước, hoặc đổ hết. Bạn sẽ không nhận được thứ nước khác. Bạn sẽ chỉ nhận được không khí có trong cốc. Với một số người, đó là điều không thể chấp nhận được. Và đó là Thiền. Thiền không phải ngửa tay để mọi thứ rơi vào, mà Thiền là buông tay để mọi thứ rơi ra.


Thiền không hề thoải mái trong thời gian đầu. Bạn đã sống quá lâu ở một môi trường ồn ào, và khi bạn bước chân vào môi trường yên tĩnh. Bên trong bạn luôn muốn kéo bạn trở lại. Bạn đứng giữa hai căn phòng, lúc bạn ở phòng này, lúc bạn ở phòng kia. Thời gian đầu, bạn ở căn phòng ồn ào nhiều hơn. Khi bạn bị sự ồn ào làm căng thẳng, khi bạn muốn nổ tung. Căn phòng yên tĩnh là nơi bạn muốn an trú trong giây lát. Để giảm nhẹ, để xoa dịu, để xả ra một chút những gì khó chịu quá mức. Để rồi, bạn lại bước chân vào căn phòng ồn ào, và tiếp tục cuộc sống của bạn.

Thường, những người đến với Thiền như một sở thích. Như một người lên Chùa vãn cảnh. Để rồi lại quay về với đời sống bình thường. Đó là đã là một điều rất đáng trân quý. Nhưng "Thiền" ở đây đang chỉ là một thú vui, một viên kẹo ngậm khi đắng miệng. Bạn là người nghĩ về Thiền như vậy, bạn đã là người có Duyên. Và trong cuộc sống, mọi thứ với bạn vẫn ổn. Có thể bạn có căng thẳng, có nỗi buồn. Nhưng nó chỉ là một sự căng thẳng bình thường, nỗi buồn bình thường. Bạn vẫn còn nhiều niềm vui, bạn vẫn có gia đình, bạn bè, tương lai.

Nếu các bạn bước chân vào sâu hơn, nghĩa là Duyên của các bạn đã lớn hơn những người tôi vừa nói tới ở trên. Duyên những cũng là Nghiệp.

Duyên thì kéo đi, còn Nghiệp thì kéo lại. Bạn thì đứng giữa. Hai khái niệm Duyên và Nghiệp này tôi sẽ nói tới trong những bài khác. Nhưng ở đây, đó là hai tác nhân vô hình quan trọng trong cuộc sống của bất kỳ ai. Nghiệp có từ trước khi bạn ra đời, nó đi theo bạn, tổng hợp từ những gì xảy ra trong quá khứ của bạn. Nói cách khác, nó là những gì đã có. Duyên là những thứ nẩy nở từ những suy nghĩ, hoạt động, di chuyển của bạn trong cuộc sống. Nếu Duyên của bạn lớn hơn Nghiệp, bạn sẽ vẫn ổn. Nhưng nếu Nghiệp của bạn lớn hơn Duyên, bạn sẽ bị kéo lại - như chiếc xe kẹt phanh khi đang đi trên đường, dù bạn gắng sức đạp.

Và khi đó, tôi cũng gọi đó là Duyên. Duyên là Nghiệp, Nghiệp là Duyên là như vậy.

Trong những trường hợp này, bạn không có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Nói cách khác, bạn đau khổ, bạn mất mát, bạn đổ vỡ. Mọi thành công đều rời xa bạn. Mọi thứ trong cuộc đời mà bạn cho là quý giá đều chia tay với bạn.

Hãy nhìn cốc nước của bạn xem. Bạn không cần cố gắng, ai đó đã tự đổ hộ bạn. Bạn đau khổ vì cốc của bạn ít nước hơn cốc của người khác. Bạn ao ước cốc nước của mình đầy, bạn khát khao. Và bạn cầu xin. Hãy nghĩ về một con tầu chìm giữa đại dương cần tới ngọn hải đăng biết bao nhiêu, trong khi lúc bình thường đó chẳng bao giờ là một nhu cầu. Hãy nghĩ về người ngã xuống mỏm đá đang ao ước giá như có lan can để mình bám vào. Hãy nghĩ về người phụ nữ đang ao ước có đứa con mà cô ta không thể có được. Hãy nghĩ về một cuộc đời nghèo khó đang ước ao giá như sinh ra trong một gia đình giầu có.

Nếu như cốc nước của bạn đầy, bạn chẳng bao giờ cần nghĩ tới việc xin ai đó để cho nó đầy. Nhưng nếu nó vơi dù chỉ một chút. Bạn sẽ ước ao để cho nó đầy. Sự vơi một chút này rất khó diễn giải, và sự đầy lại càng khó hơn. Chẳng ai trong số chúng ta là cốc nước đầy. Nhưng ai đó cũng tưởng người khác là cốc nước đầy. Đó chính là nguồn gốc cho sự bất hạnh của nhân loại. Các bạn hãy nhìn vào câu truyện của ông Phật. Vị trí của ông là được cho là một cốc nước đầy. Thời điểm ông dứt áo ra đi, chính là thời điểm ông đổ nước, quăng cốc, vứt bỏ tất cả để đi tìm nguồn gốc của sự đau khổ. Đây là một hành động mang tính biểu tượng. Và ông là một người đặc biệt.

Vậy thì các bạn, những người đau khổ, những cốc nước vơi. Các bạn cầu xin ai trong những lúc khốn cùng? Các bạn sẽ cầu xin các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả, cầu xin Phật, Jesus, God, ... bất cứ ai vô hình, trong thế giới vô hình mà các bạn có thể tưởng tượng được. Và đó là lúc Duyên của bạn bắt đầu Khởi.

Lúc này, mới là lúc Thiền bắt đầu chảy vào bên trong bạn. Tưới mát bạn. Nâng đỡ bạn. Giúp cho bạn nhận biết.

(đang viết tiếp)

Phần 1

Phần 2

13 nhận xét:

  1. Minh Không à, bài này biên chưa đạt. Người bình thường đọc sẽ thấy khó hiểu. Họ không hình dung được.
    Hình tượng cốc nước cần sâu sắc hơn, Nga nghĩ thế.


    À, hay Minh Không để Gấu đọc rùi cho ý kiến xem sao, he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nga nghe. Bài này những người mới đọc khó hiểu là đúng rồi. Những người quen đọc, quen viết, quen Thiền còn thấy nó trúc trắc khó hiểu nữa. Nhưng đó là dụng ý của MK.

      MK sẽ nghĩ về hình tượng cốc nước. Thanks!

      Xóa
  2. Trong bài viết này. Một số ý tôi sẽ viết thành hẳn 1 bài viết. Ví dụ như khi tôi nói mỗi Luân xa có 7 phần như 7 cánh hoa. Ví dụ như Duyên và Nghiệp. Ví dụ như sự giống và khác nhau giữa Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông. Ví dụ về gốc rễ sự cầu xin Thượng đế (God) của con người. Cả về hình tượng cốc nước nữa.

    Tôi cũng mới chỉ đăng một nửa bài viết. Một nửa còn lại, tôi đang xem lại và tự quyết định xem có nên đăng lên hay không.

    Với mỗi vẫn đề, khi các bạn thấy tôi càng đi vào các phần tiếp theo. Đó là vì loạt bài đó có nhiều lượt đọc. Tôi sẽ đi tiếp, nếu không có câu hỏi nào. Và tôi sẽ dừng lại để nói chuyện, chia sẻ nếu có bất kỳ ai cần như thế.

    Cám ơn các bạn.

    Trả lờiXóa
  3. Thân bất động là Thiền. Tâm bất động là Định. Mục đích của Thiền là đạt được Định. Trong Định thì Hoa Trí Huệ nảy sinh . Trong trạng thái Định thì Hỷ Lạc sẽ từ từ Viên mãn. Thiền là một lối sống mà trong đó duy trì Định 24/7. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của Thiền .

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn những chia sẻ của tác giả bài viết Hiện mình đang gặp một vấn đề khó khăn khi thiền, là mình rất dễ bị mất tập trung ; mình cũng gặp vấn đề này khi ngủ. Mình rất khó có thể đi vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy mình rất mệt mỏi. Các bạn có lời khuyên gì giúp mình với. Mình xin cảm ơn nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tình trạng hiện tại của bạn là tình trạng chung của rất nhiều người. Bạn đang ở trong một cái chợ, và bạn là một phần của nó. Bạn về nhà, muốn ngủ, muốn Thiền đều khó khăn. Bởi bạn vẫn mang cả cái chợ về. Bạn mang cả cái chợ về, vì khi ở chợ, bạn không giữ cho mình được nhận biết, bạn trở thành 1 phần của cái chợ.

      Bạn càng cố gắng tập trung, thì bạn lại càng không tập trung. Bạn càng cố gắng ngủ sâu, thì bạn lại càng không ngủ sâu được. Bạn chỉ đang tìm cách giải quyết phần ngọn.

      Lời khuyên cho bạn và những người tương tự như sau:

      - Hãy luôn nhận biết khi ở trong một cái chợ. Hãy ở trong chợ, nhưng không biến thành cái chợ. Hãy làm chủ thời gian của mình, và chịu trách nhiệm về nó.

      - Nếu bước trên thời gian đầu, bạn chưa thực hành nhiều. Bạn sẽ vẫn mang một phần cái chợ về, và nó vẫn nằm trong tâm trí bạn. Đừng cố gắng để bỏ nó ra. Càng cố gắng, nó càng bám chặt lấy bạn. Hãy xả bỏ nó bằng các việc bạn yêu thích. Để cơ thể và tâm trí làm việc gì đó bạn yêu thích trước khi ngủ. Hãy làm với sự thích thú cao độ. Chạy, đi bộ, xem phim, nói chuyện, yêu một cô gái, ... Với những công việc yêu thích, bạn sẽ trở về với chính mình. Và bạn sẽ mệt nhoài. Hãy ngủ ngay sau đó. Và khi thức dậy, hãy nhớ về những giây phút mình được làm những việc yêu thích, đừng dậy ngay. Và sau đó bạn Thiền. Kể cả sau đó, lúc Thiền, hãy hướng tâm trí vào những gì tốt đẹp, nghĩ về nó, chậm dần, chậm dần, chậm dần.

      - Thực hành thường xuyên và nghiêm túc.

      Chúc bạn thành công.

      Xóa
    2. Mình cám ơn bạn nhiều lắm vì những góp ý này! Với lại giờ mình đang gặp 1 vấn đề với sức khỏe- đó là rất khó đi vào giấc ngủ. Mình không hiểu sao cho dù đã loại bỏ hết những lo lắng, và tạo điều kiện tốt cho không gian ngủ, nhưng mình vẫn phải trằn trọc rất lâu khoảng 30-40 phút mới ngủ được. Mình để ý 1 bạn của mình, cậu ấy ngủ rất dễ dàng; nên mình thực sự hơi quan ngại về vấn đề giấc ngủ. Nhưng mình cũng quan sát và để ý thấy bạn mình rất dễ mệt khi làm 1 việc kéo dài hay việc nặng; nhưng mình thì lại có sức chịu đựng, sức bền cao. Mình có thể giảng bài liên tục 5 tiếng đồng hồ mà không mệt; VÀ mình có cảm giác là rất hưng phấn. Tuy nhiên, theo khoa học mà nói nếu làm việc cường độ cao vậy thì sẽ dễ dàng mệt mỏi và dễ đi vào giấc ngủ; nhưng điều này dường như không xảy ra với mình. Vẫn trằn trọc rất lâu mới ngủ được, và hay bị tỉnh giấc, nằm mơ. THỰC SỰ mình băn khoăn có phải cơ địa mỗi người khác nhau hay không? Mình rất hi vọng có thể kiểm soát và nâng cao chất lượng giấc ngủ để có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa trong cuộc sống. Mong nhận được lời khuyên của bạn

      Xóa
    3. Dễ ngủ, hay khó ngủ là một việc rất cảm tính. Vì thế, hãy biến 3-40 phút trằn trọc của bạn thành 1 buổi Thiền nằm hiệu quả. Bạn đang để cho suy nghĩ lý tính, và những lo toan đi quá sâu trong tâm trí. Bạn sẽ còn khó ngủ hơn nữa nếu không biết cách xả bỏ. Một trong những cách để dễ ngủ dễ nhất là đọc sách, hoặc bú một bình sữa ấm. Chúc bạn vui.

      Xóa
  5. Mình bị lẫn lộn giữa 2 khái niệm duyên và nghiệp, mong bài giải thích của Minh Không!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn, MK xin nói vắn tắt. Có lẽ sẽ viết chi tiết 1 bài về nghiệp và duyên sau.

      Nghiệp hay còn gọi là Nghiệp quả của một người, là những gì tổng hợp lại từ những kiếp sống trước của một linh hồn. Để kiếp sống hiện tại, nghiệp quả có ảnh hưởng kéo hoặc đẩy dẫn đến tác động trực tiếp lên người đó.

      Duyên có 4 thứ duyên cộng lại: Nhân duyên; Tăng thượng duyên; Đẳng vô gián duyên; Sở duyên duyên. Nhưng đa số mọi người chỉ biết tới Duyên = Nhân duyên.

      Vì vậy Nghiệp là thứ đi theo linh hồn từ các kiếp sống trước. Còn Duyên là thứ nẩy nở trong kiếp sống này.

      Xóa
  6. Cảm ơn Minh Không. Mình chờ bài chi tiết hơn, như thế này không thỏa mãn :)

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn Minh Không. Bài viết quá hay! Cuối bài vẫn còn đề "đang viết tiếp". Không rõ bạn đã viết tiếp chưa? Không thấy link.

    Trả lờiXóa