Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Thiền (phần 3 - tiếp theo)

 
Một mặt trong khi đau khổ, tuyệt vọng, tận cùng, ... Thì con người thường lựa chọn phương án tự sát, hoặc cầu cứu một thế lực vô hình, siêu nhiên. Một tôn giáo, một pháp môn đều có một biểu tượng - hình ảnh về một cá nhân như vậy.


Các bạn sẽ cầu xin sự tha thứ về những chuỗi hành động của mình để dẫn tới hậu quả ngày hôm nay? Hay các bạn sẽ cầu xin sự trừng phạt cho ai đó đã gây ra cho các bạn? Hay các bạn sẽ cầu xin cho mọi việc qua nhanh? Hay các bạn sẽ cầu xin được hạnh phúc tốt đẹp như một hình ảnh nào đó các bạn biết? Hay tất cả?


Bạn sẽ tham gia một tôn giáo, bạn sẽ tham gia một pháp môn, bạn sẽ có một người thầy, bạn sẽ có đồng tu. Và như thế, bạn cảm thấy tốt hơn. Nhưng bản chất của việc này, thay vì một sự phụ thuộc trong thế giới vật chất, mà bạn đã từng đau khổ trong đó. Thì bạn đã thay thế bằng một sự phụ thuộc khác trong thế giới tinh thần. Nơi chưa chắc đã giúp bạn thoát khỏi đau khổ.

Thiền không phải là bất kỳ điều gì như vậy.

Bạn đã từng biết tới những người trẻ tuổi từng thần tượng ai đó. Vâng, trong thế giới tâm linh, bạn cũng như vậy, cũng thần tượng và theo đuổi bước chân của một ai đó. Có thể là Phật, Jesus, Mohamet, Osho, Martin Luther King, ... Bạn cũng đang đắp đổi và hy vọng trở thành một ai đó không phải là mình. Đang cố gắng để thoát khỏi mình. Nhập một vai nào đó trong một vở kịch, rồi hy vọng mình sẽ thành vai diễn đó.

Thiền cũng không phải là bất kỳ điều gì như vậy.

Nếu như trong phần trước. Tôi có nói rằng, Duyên bắt đầu khởi, Thiền bắt đầu chảy vào bên trong bạn, và bạn bắt đầu nhận biết. Thì phần này, tôi phải làm rõ ngay phần nhận biết đó, để bạn khỏi ảo tưởng.

Sự nhận biết thực sự chỉ có một. Nhưng những sự nhận biết theo cách ảo tưởng thì vô hạn. Vì thế, quá trình nhận biết luôn đi từ chỗ vô hạn về số một. Đó là một quá trình ngược chiều, có vẻ vô lý nhưng đúng là như vậy. Phật đã phải mất 6 năm trời ròng rã sau khi dứt bỏ mọi mỗi liên hệ với đời thường, để tìm kiếm sự nhận biết. Và chính ông cũng phải trải qua sự phát triển nhận biết trong từng đó thời gian. Để rồi quay về với một sự nhận biết duy nhất.

Trong hơn 2500 năm qua. Cùng với việc thịnh suy của mình, thì Đạo Phật đã có số đệ tử lên tới hàng triệu. Nếu cộng với số lượng đệ tử từ trước tới giờ, đó là một con số rất lớn. Nhưng ai được như Phật? Đi theo Phật là một chuyện, thành Phật lại là một chuyện khác.

Những người thành Phật, sau Phật. Đều là những sự nhận biết độc lập, không phụ thuộc. Phật chỉ là người bạn, người thầy. Không phải người giúp họ nhận biết. Nhận biết không phải sự phụ thuộc. Nhận biết thực sự là một sự nhận biết từ bên trong mỗi bản thể. Nếu bạn còn phụ thuộc vào một cá nhân nào đó, thậm chí một hình ảnh, linh ảnh một ai đó. Thì quá trình nhận biết của bạn vẫn đang là một sự phụ thuộc. Sự phụ thuộc này rất cần thiết khi bạn mới bắt đầu. Nhưng nó sẽ là rào cản khi bạn muốn tiếp tục đi tiếp.

Bạn luôn mong một sự kết nối từ ai đó? Sự ảnh hưởng thuận lợi từ ai đó? Sự nâng đỡ từ ai đó? Một mối quan hệ tốt đẹp từ ai đó? Bản chất sự mong muốn của bạn đã và đang tạo ra sự chia rẽ trong chính bạn. Và nó dẫn tới sự phụ thuộc. Bạn phải biết một sự thật rằng, cá nhân mỗi linh hồn là độc lập và như nhau, không hơn, không kém. Ước mong của bạn chỉ làm cho bản thân bạn trở nên thấp hơn, bé đi, và thêm tự ti. Phật không ngẫu nhiên khi nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".

Bạn luôn muốn hiện hữu trong cuộc đời. Bạn muốn có sự nghiệp, thành danh, thành tài, thành đủ thứ như bạn mơ ước. Nhưng Thiền là một khái niệm để xóa tan đi hiện hữu đó. Những gì trước đây bạn đã đắp lên chính bạn. Từ quần áo, từ tên gọi, giới tính. Đến kiến thức, văn hóa, tư tưởng, những thứ hình thành nên bạn. Trong Thiền sẽ dần bị cởi bỏ, xóa bỏ.

Có một sự thật rằng. Bạn không bao giờ được tiếp xúc trực tiếp với những người bạn cho là lý tưởng. Bởi họ đã chết hàng nghìn năm nay. Phật đã chết từ hơn 2500 năm, Jesus đã chết hơn 2000 năm. Và những điều bạn đang được nghe, được đọc, đã là những thứ được ghi chép, dịch, và truyền lại rất nhiều lần. Và bạn phải tự nhận biết sự thật ở trong đó. Dù rằng chỗ nào cũng là sự thật.

Trong chính trị có những quan điểm như sau: "hãy để nhân dân làm những con cừu, không để nhân dân làm sư tử". Trong tôn giáo thời hiện đại cũng như vậy. Thay vì tự nhận biết bản thể, và giúp cho người bên cạnh cũng tự nhận biết bản thể. Thì tôn giáo hiện nay luôn hướng về việc thần tượng một linh ảnh. Dùng một số thần thông cấp thấp để lôi kéo số đông. Người ta sẽ không nói rằng bạn là cừu. Họ sẽ nói rằng, đó là thứ hàng nghìn năm, hàng trăm năm nay, hàng triệu người đã tham gia và đã giác ngộ, bạn muốn đi đường khác cho riêng bạn hay sao? Và theo lối mòn, sự nhận biết tới giải thoát của đa số chỉ là một con đường cụt. Không hơn.

Người Thầy của tôi nói rằng: "tôi là bạn của ông". Nhưng tôi hiểu, đó không phải ngược lại. Để tôi nói được rằng: "ông cũng là bạn của tôi", tôi còn phải đi một quãng đường rất dài.

Tôi muốn qua loạt bài này, các bạn hiểu thêm về Thiền. Hay ít nhất, là quan điểm về Thiền của riêng tôi.

Tôi cũng có dụng ý rất rõ ràng khi nói rằng. Thiền là thứ đơn giản nhất, cơ bản nhất, hiệu quả nhất mà các bạn có thể có được để nhận biết mọi thứ. Để giải thoát. Để trả lời được câu hỏi mình là ai, ở đây làm gì, và đi về đâu.

Tôi cũng nói rõ vào một số khía cạnh mà ít người nhắc tới về Thiền. Đó là sự ảo tưởng, sự phụ thuộc, và thói quen bầy đàn trong Thiền.

Hãy nhận biết chính mình. Lúc nào cũng là chính bạn, lúc nào cũng là bây giờ. Và bạn hãy Thiền. :)

Phần 1

Phần 2 

Phần 3

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn Minh Không! Qua thiền mà bạn đã nói lên được rất nhiều điều ý nghĩa, quan điểm, nhận thức... Mình đồng tình và chia sẻ ;)

    Có người đã nói với mình: "Bước ra khỏi mọi tôn giáo, sách vở, tri thức ... chỉ trải nghiệm và bước qua trải nghiệm - sẽ thấy ý nghĩa sự hiện hữu của ta..."

    Mong được tiếp tục được học hỏi và lĩnh ngộ...

    Chúc bạn sức khỏe và an lạc!

    Trả lờiXóa