Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Thức ăn

Trong hai bài Mỡ Thịt - bạn hay thù, bạn đã đọc những thông tin dưới dạng kiến thức vật lý thực tế. Trong bài này, tôi sẽ nói tới thức ăn của chúng ta là gì. Dưới góc độ tổng quát và chung nhất. Nhằm giúp các bạn có cái nhìn toàn diện hơn.

Trong nhiều bài viết trước đây. Tôi nói chúng ta có Tâm thức và Ý thức (A). Ý thức này có ba phần: Siêu thức (a), Ý thức (b), và Vô thức (c). Các bạn có thể xem thêm tại đây. Trong bài viết này, tôi nhắc đến 5 khái niệm khác, mà nhiều sách về Yoga hay Thiền đã nhắc đến . Đó là các khái niệm về thực thể của chúng ta, và các thức ăn cung cấp cho thực thể đó.

1. Thể vật chất: 

- Thể vật chất chính là cơ thể của chúng ta. Có thể sờ, nắm, nhìn, ngửi, chụp chiếu, mổ xẻ, cắt, ... Cứ tạm cho rằng đơn vị nhỏ nhất của thể này là tế bào. Thì chúng ta lớn lên, hay già đi. Là do tế bào chết đi và sinh ra hàng ngày hàng giờ.

- Thức ăn cho thể này cũng là vật chất. Thứ chúng ta ăn và uống qua đường miệng hàng ngày. Đồ ăn thức uống mang lại dưỡng chất. Giúp cho tế bào mới sinh ra, tế bào cũ chết đi.

Điều đơn giản này là thứ đầu tiên làm cho mọi người khác nhau. Những thứ chúng ta ăn vào, những dưỡng chất đó, có tác động lớn tới việc từng tế bào chúng ta chết đi thế nào, và sinh ra ra sao. Không phải tự nhiên mà mọi tôn giáo đều nói tới việc ăn chay, hay đề cập tới việc nhịn ăn. Có những loại thức ăn giữ bạn ở lại thế giới vật chất, đậm đặc. Và có những loại thức ăn mở ra một thế giới khác, chuyển hóa bạn trở nên ít đậm đặc hơn. Teal cũng nói trong hướng dẫn của cô về việc ăn cái gì, để mở cái gì ở đây

Việc ăn cái gì, quyết định bạn sẽ đi trên con đường nào. Giống như quyết định bạn sẽ đi đường bộ, hay đường thủy. Về vấn đề này, bạn có thể tìm thấy vô số thông tin trên các sách thực dưỡng.

2. Thể năng lượng:

- Thể năng lượng có trong ánh sáng, không khí. Thể năng lượng, bao quanh các thực thể sống. Một ngọn núi là một thực thể sống. Một cái cây là một thực thể sống. Một con vật là thực thể sống. Thể năng lượng này có nhiều tên gọi khác như Prana, Trường sinh học, Hào quang, Điện sinh học, ... và đã bắt đầu có máy móc để đo được.

Một người có thể năng lượng dầy, thường khỏe mạnh. Thể năng lượng mỏng, thường yếu và dễ có nhiều vấn đề về sức khỏe. Điều khác biệt ở với thể thứ nhất, nơi biểu hiện dễ thấy nhất là da, tóc, móng tay. Thì với thể thứ hai, nơi biểu hiện là đôi mắt. Bạn có thể thấy năng lượng của ai đó trong đôi mắt của họ.

- Thức ăn cho thể này là hơi thở. Một con người là thực thể sống, và với mỗi thực thể sống, đều có nhịp thở riêng của nó. Một ngọn núi, một bông hoa, một con người, đều thở. Bạn có thể nhịn ăn, hay nhịn uống trong 1 giờ, nhưng không thể nhịn thở. Thở nông hay thở sâu đều quyết định việc bạn có nhiều năng lượng hay không. Một đứa trẻ có nhiều năng lượng, đơn giản bởi chúng thở tự nhiên, thở bụng. Hơi thở sâu, tích tụ ở vùng dưới rốn. Dễ nhận thấy khi 1 đứa trẻ ngủ, bụng nó phập phồng. Còn người lớn, thì ngực phập phồng. Và ai đó đi học Khí công, Yoga, họ lại phải tập thở lại bằng bụng.

Một số người vẫn sống tốt nhiều ngày khi không thở. Họ có cách khác để lấy năng lượng. Tôi không nói tới trong bài này. Và nếu bạn muốn tập thở, thì đọc ở đây.

3. Thể trí

- Ý thức (A) được chia tách thành 3 phần như đã nói ở đầu bài. Và thể trí thứ 3 này chỉ là Ý thức (b), không Vô thức (a), không Siêu thức (c). Nó là thứ chúng ta tiếp nhận từ cuộc sống hiện tại. Thể trí này cũng chính là một dạng năng lượng. Nhưng nó tế vi hơn, rung động ở một tần số khác hay một chiều kích khác. Nếu thể thứ 2 có thể chụp được bằng máy. Thì thể thứ ba này là vô hình. Ý nghĩ của bạn là vô hình, không nắm bắt được. Trừ khi chúng ta thể hiện ra bằng lời nói, hành động, ánh mắt.

Ai đó được giáo dục cẩn thận, tỉ mỷ thì thể Trí này càng lớn và càng sâu đậm. Và vì chúng ta không nhìn thấy, nên chúng ta không nghĩ rằng mọi thứ chúng ta ném vào mình đều là thức ăn cho thể này. Những ý nghĩ dưới dạng sóng năng lượng, hoàn toàn có thể đưa ra bằng lời nói, hình ảnh, hoặc vô hình. Vì thế đừng tưởng chúng ta tự quyết định được cuộc đời chúng ta. Điều này dễ hiểu lập tức với những ai biết về Marketing.

Nếu bạn quyết định mua một cái Iphone. Bạn nghĩ bạn quyết định? Có vô vàn lời khuyên ẩn kín bao vây bạn từ lâu trước khi bạn quyết định. Nó thấm dần vô hình, và tạo thành một vết hằn trong Ý nghĩ của bạn, hướng bạn quyết định. Điều này cũng xảy ra với một chiếc BMW, hay bao thuốc Malboro, hay giấc mơ có một ngôi nhà và cuộc đời tươi đẹp. Những nhà kinh doanh hàng đầu đã từng khẳng định: “Bất kì ai mua cái gì, chúng ta đã tạo ra 90% quyết định mua của người đó. 10% còn lại cũng không phải là sự chọn lựa của người đó, đấy chỉ là vì nghệ thuật quảng cáo còn chưa được phát triển hoàn thiện. Cá nhân không được tự do trong việc này. Khi chúng ta phát triển nó thành một trăm phần trăm, chúng ta sẽ biết trước chúng ta sẽ làm cho người đó mua gì, chúng ta sẽ biết người đó sẽ mua gì.” Bạn còn biết gì nữa? Công ty là công ty, nhưng Chính phủ là Công ty của Công ty. Nơi bạn là một khách hàng trung thành bất đắc dĩ. Tiền chính là nợ do CP phát hành, và bạn là con nợ.

- Vì vậy, thức ăn của thể này chính là những gì bạn đọc, bạn nghe, bạn tiếp xúc hàng ngày. Nó trở thành thức ăn của bạn, và nó trở thành bạn. Bạn sẽ không thể nhận biết được suy nghĩ nào của mình, suy nghĩ nào của người khác. Bạn sẽ bị người khác quyết định thay mình, trong khi vẫn nghĩ rằng mình quyết định cuộc đời mình. Bạn có quyền lựa chọn. Và trước đó, bạn có quyền biết về toàn bộ, thứ đang diễn ra.

Nolan đã rất thành công với Inception khi sáng tạo ra một kịch bản để cho một người đi thay đổi suy nghĩ gốc của người kia, và người kia cứ nghĩ rằng đó là quyết định của mình.

* Trong ba thể trên, thì Hơi thở (thể 2) kết nối giữa Cơ thể (thể 1) và Ý thức (thể 3). Khi hơi thở không còn nữa, kết nối chấm dứt. Ý thức sẽ chia tay cơ thể để đi tìm một cơ thể khác. Hành trình đi tìm này có thể lâu dài và lặp đi lặp lại. Nếu bạn không bước chân vào thể thứ 4.

4. Thể nhận biết.

- Thể này đặc biệt ở chỗ, nó còn vô hình hơn cả thể thứ 3: suy nghĩ của chính mình. Vì khi một người với đầy đủ văn hóa, kiến thức, tiền bạc và quyền lực. Họ sẽ không nghĩ rằng, phía sau tất cả còn thứ gì nữa. Với suy nghĩ siêu việt của mình, họ có thể kiếm tiền, rất nhiều tiền trong thời gian ngắn. Và mọi thứ vớ vẩn khác chỉ là vớ vẩn, rác rưởi. Họ có thể quan tâm tới tâm linh đôi chút, như một thứ gia vị cuộc sống của họ. Hoặc chỉ để dán lên mình một cái mác, hoặc hy vọng nó có ích để tăng thêm tài sản, hay không bị mất đi. Người đó sẽ đầy ắp như cốc nước, khi không thể đổ thêm thứ gì vào được nữa. (Sẽ có thời điểm bỗng nhiên họ nhận biết thể thứ 4 này. Sự nhận biết đến với họ một cách tự nhiên, nó như là điểm cuối của cuộc hành trình, và họ bắt đầu phải bước sang một cuộc hành trình khác, số này không nhiều).

Tôi có một ví dụ đơn giản, cũng đã nhắc lại vài lần ở đây. Ví dụ này tôi đã áp dụng với chính tôi. Khi tôi đói, tôi ngồi cạnh một đĩa đồ ăn thơm và ngon. Nhìn nó, và để cho cái bụng đói. Điều gì sẽ diễn ra? Ý nghĩ sẽ tới: ăn đi, đói quá; ăn thôi, đợi gì nữa, vv. Tôi vẫn ngồi im để nhìn vào suy nghĩ của mình, lắng nghe nó, và cảm nhận nó.

Ở lần đầu tiên, tôi hoàn toàn vô tình khi nhận ra rằng, tôi đang quan sát chính suy nghĩ của mình. Tôi tách bạch với nó. Tôi không phải là nó, điều mà trước đây tôi cứ nghĩ nó là mình. Khi tôi lặp lại thí nghiệm, và lặp lại nó với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tôi thấy rất nhiều điều thú vị về suy nghĩ của chính mình.

- Và với thể nhận biết này. Thức ăn cho nó là Thiền. Thiền làm cho chúng ta dừng lại, chậm lại. Để quan sát chính mình, nhận biết chính mình. Hay ít nhất, để đối diện với chính vấn đề chúng ta đang gặp phải trong cuộc sống thường nhật.

Một người ở thể thứ 3, sẽ rất khó để dừng suy nghĩ của mình lại. Họ sẽ nghĩ liên tục, miên man, hết vấn đề này sang vấn đề khác. Đầu óc họ như một cái thùng rác, nơi đủ thứ ném vào và họ không thể kiểm soát. Thì bước đầu với Thiền, họ sẽ biết cách từ chối những rác rưởi ném vào họ. Xử lý cách nào không trong phạm vi của bài này. Nhưng với Thiền, ít nhất bạn cũng bắt đầu tập nhận biết. Họ biết phân loại rác trong đầu mình, và xử lý chúng. Cao hơn, họ biết khi nào đi, khi nào dừng, bởi chính họ. Họ biết khi nào cần nghĩ, khi nào không. Hoàn toàn tự nhiên, và tự thân. Họ không là nô lệ cho bất kỳ ai, cho bất kỳ giáo điều nào, và bởi bất cứ luật lệ nào.

Thể Nhận biết bắt đầu ở lúc chạm vào Vô thức (a), chạm vào Siêu thức (c). Vượt qua để đi vào Tâm thức.

5 - Thể Phúc lạc, Hoan hỉ.

Thể thứ 5 này nó tới tiếp sau thể thứ 4, tất nhiên. Và bạn chẳng nên mong chờ nó. Khi bạn nhận biết đủ, tự bạn sẽ bước chân vào Phúc lạc. Nó không phải là Hạnh phúc, vì đối ngược với Hạnh phúc là Đau khổ, là Bất hạnh. Nhưng với Hoan hỉ, với Phúc lạc, thì không có đối lập nữa, nó là nhất thể. Bạn có thể gọi nó là Niết bàn, là cõi này cõi nọ. Nhưng là gì đi chăng nữa, thì từ ngữ chỉ mô tả nó một cách bối rối. Chỉ ai đã bước chân vào thì mới biết được thôi. Chứng ngộ, là khi bạn bước chân vào, nhưng chưa đủ để ở lại, bạn đi ra. Giác ngộ, là khi bạn bước chân vào, và bạn ở lại trong đó mãi. Dù gì, thì nó cũng là như thế.

Bạn có chờ đợi nó không? Có mong chờ nó không? Có tìm kiếm nó không? Nó có đắt giá không? Bạn có phải trả giá không? Thứ Phúc lạc Hoan hỉ mà ông Phật ra rao giảng đó. Không, bạn chẳng phải làm gì như thế cả. Khi nó tới, nó sẽ tới, chỉ vậy thôi.

Một đám mây không thể Phúc lạc hơn. Một cái cây không thể Hoan hỉ hơn. Một bãi cỏ không thể An vui hơn. Một con chim không thể Chánh niệm hơn. Nó là như nhau. Nếu bạn nằm trên bãi cỏ cạnh một gốc cây, nhìn lên những đám mây, và không nghĩ gì hết. Bạn chỉ cảm nhận gió, bầu trời trong, mây trắng, và tán lá xanh. Đó là Phúc lạc rồi. Hay khi đi giữa trời mưa bão, chân lội nước, rét run người. Hãy cảm nhận mọi cảm giác, nhận biết từng hơi thở, từng cái rùng mình, với không suy nghĩ. Đó cũng là Phúc lạc rồi.

Xưa có người từng hỏi ông Phật, “Cái gì sẽ xảy ra ở Niết bàn? Ít nhất thì cũng có Phúc lạc ở đó chứ?” Phật trả lời, “Ông sẽ không có ở đó, cho nên làm sao phúc lạc có thể có đó được? Cả ông lẫn phúc lạc đều sẽ không có ở đó.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét