Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Giấc mơ ai rao bán?

Tôn giáo và Tính dục là hai thứ dai dẳng, bền vững, và trường tồn cùng với lịch sử phát triển của giống người hiện tại. Những thứ khác, là những tạm thời vay mượn, mọc lên rồi lụi tàn. Một thứ mơ hồ, huyền hoặc. Một thứ thực tế, kề bên. Một thứ có vẻ ảo tưởng xa xôi bên ngoài, một thứ thôi thúc dữ dội bên trong. Một thứ trên, một thứ dưới. Cả hai nó vặn vẹo con người, sống không ra sống, chết không ra chết. Để làm gì? Chỉ để ta hiểu về chính ta, và từ đó, ta mở cánh cửa dành riêng cho mình rồi đi tiếp.

Nếu có một thứ hủy diệt cuộc sống. Thì mọi giá trị đang có, đã có, sẽ có. Mà mọi người đang bám víu vào đều chỉ như những bọt biển rẻ dúm. Sẽ tan nhanh hơn một cái chớp mắt. Ngôn từ ư? Nghệ thuật ư? Luật pháp ư? Đất nước ư? Biên giới ư? Tài sản ư? Iphone ư? Cả triệu cái ư đó chỉ như những bọt bong bóng dạt vào bờ cát, rồi sẽ không còn hình dạng nào có thể hình dung trước đó nó ra sao nữa.

Bản thân từ Tôn giáo hay Tính dục cũng là những khái niệm hết sức trìu tượng. Vì bản chất, nó có bên trong chúng ta, nhưng chưa bao giờ chúng ta hiểu hay cắt nghĩa được hết về chúng. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận chúng, luôn là như vậy. Bạn có thể hỏi, nhưng những câu hỏi sẽ chỉ đem lại nhiều câu hỏi hơn nữa. Và cả núi câu hỏi sẽ làm cho cuộc đời bạn khốn khổ. Nhưng bạn lại không thể không hỏi, bạn sẽ phải hỏi tới khi nào bỗng chốc mọi câu hỏi biến mất. Đó là lúc bạn bắt đầu học được về sự cảm nhận.

Tính dục thần thánh bên trong chúng ta được lập trình bởi những đấng sáng tạo toàn năng. Nhưng các bạn chỉ được dậy rằng Tính dục nhằm để quan hệ tình dục: giao phối nhằm thỏa mãn sinh lý và bảo tồn giống nòi.

Tôn giáo được đưa ra dựa trên sách vở, giáo điều, nhà thờ, chùa chiền. Những ông Tượng, những hình ảnh, những câu truyện. Tôn giáo dựng nên các Ông ở trên cao, còn chúng ta ở dưới. Tôn giáo muốn chúng ta đi theo những bài bản, luật lệ, sai đúng.

Ai rao bán cho các bạn những giấc mơ? Những giấc mơ đó là gì?

Phật đã rao bán những giấc mơ? Jesus đã rao bán những giấc mơ? Phải vậy không? Ở phạm trù nhỏ hơn nữa nhé. Ông chủ của bạn đã rao bán những giấc mơ? Marin Luther King đã rao bán những giấc mơ? Robert Kiyosak đã rao bán những giấc mơ? Mọi người đều có những giấc mơ của riêng mình. Nhưng họ không biết rằng, đó là những giấc mơ được cấy ghép qua các hình thức phát tán năng lượng từ một số nguồn được xác định.

Số đông theo Phật hẳn luôn mơ mộng về cõi Niết bàn, cõi A di đà. Số đông theo Jesus hẳn luôn mộng mơ về nước Chúa, Thiên đàng. Số đông theo Robert Kiyosak hẳn luôn mơ mộng về những ngày huy hoàng tự do, trong khi dòng tiền vẫn sinh sôi nẩy nở.

Thực tế, họ vẫn đang mơ những giấc mơ của người khác. Và những người khác lại mơ những giấc mơ của những người khác nữa. Chúng ta mơ trong mơ trong mơ trong mơ ... Nhưng làm thế nào chúng ta lại rơi vào một giấc mơ như thế?

Với một xã hội độc tài, tôn một người lên làm độc tôn. Nơi họ vẽ một bức tranh, tạo ra kẻ thù, và tạo ra một giấc mơ. Để rồi những ai trong xã hội đó, chỉ biết mơ hồ rằng giấc mơ của mình bị đánh cắp mà không thể tỉnh dậy nổi. Một nhóm người đánh cắp những giấc mơ của số đông, nhét những giấc mơ có chủ đích. Ở một góc nhìn khác, họ nhét những nỗi sợ hãi vô hình bám chặt, khiến số đông chỉ mơ một vài loại giấc mơ. Như sáng mai ngủ dậy toàn bộ thực phẩm sẽ an toàn. Hay đi làm sẽ không kẹt xe. Hay lương 2 năm là mua được một cái nhà.

Với mô hình xã hội dân chủ thì có khá hơn không? Không hẳn. Chỉ đơn giản là cái lọ đựng cá nhỏ đã giãn to ra thành cái bể cá to. Nếu cái lọ cá nhỏ chỉ có cá vàng, sit sít, và bọ gậy. Thì bể cá to đã có cả cá mập, cá nhà táng. Chỉ thế thôi. Những giấc mơ của số đông trong xã hội này sẽ là: Đi du lịch vòng quanh thế giới. Tuần chỉ làm việc 2 ngày. Hay mua một hòn đảo.

Việc mơ mộng với Tôn giáo trong mắt mọi người cũng chẳng khác biệt mấy. Chăm đọc A di đà Phật để mơ tới cõi Phật. Chăm nghe giảng kinh, chăm đi nhà thờ để tới nước Chúa. Thậm chí, những người đánh bom cảm tử còn mơ về với cõi Trời nơi có Thánh Muhammad ở đó.

Những giấc mơ được tô vẽ, được rao giảng, được viết lách từ những nguồn tinh khiết đã bị thay đổi. Họ gọi đó là Tôn giáo. Còn tôi, tôi gọi đó là bong bóng, thứ sẽ vỡ vụn trong chốc lát. Vài nghìn năm cũng chỉ là chốc lát, không hơn. Người này tới người kia trong hàng nghìn năm đã rao giảng về những giấc mơ như thế. Để năng lượng loài người ngày nay chìm trong hỗn loạn, để họ không biết mơ giấc của của riêng mình.

Thật khó để sống với bản tính tự nhiên của mình.Khi các bạn đã che giấu nó ngay từ khi sinh ra: Nó tồn tại, nhưng nó không có cơ hội nào để bộc lộ. Những giấc mơ trẻ thơ đã bị đánh cắp ngay từ khi các bạn còn nhỏ. Thay vào đó, là những lý tưởng, những bài học, những giáo điều. Thay vào đó, là những hình mẫu, những vỏ bọc. Khi được phóng viên hỏi về những giấc mơ của mình. Osho đã trả lời rằng ông không mơ. Ông chẳng có gì để mơ cả. Đó không còn là một câu trả lời. Đó là một cái chìa khóa.


Những giấc mơ được nâng cấp dần từ vật chất bé, tới vật chất lớn, từ tự do nhỏ, tới tự do to. Nó được nâng cấp tới cao độ khi vừa có vật chất lớn, tự do nhiều, và không phải làm gì. Cuối cùng, là giấc mơ người đứng trên muôn triệu người. Giấc mơ được nhồi nhét trong ảo tưởng về việc mình sẽ hơn người khác, cao hơn, nhiều hơn, quyền lực hơn, tự do hơn. Trăm nghìn đủ thứ hơn.

Về mặt năng lượng. Những tầng cõi cấp thấp được tạo ra, cùng với những tầng cõi cao, cùng một thời điểm. Không phải để phân biệt, đúng sai, tốt xấu, âm dương. Nó chỉ đơn giản là trò chơi để các linh hồn trải nghiệm trong việc tiến hóa.

Nhưng một số linh hồn lại lấy nó để làm bằng chứng cho mọi người thấy rằng nó có thật. Những câu truyện trên khắp thế giới hàng trăm năm qua cho thấy nỗi sợ của số đông về nó. Từ Địa ngục là một từ xấu, mang dấu âm, bóng tối cũng vậy. Đó là một sự vu vạ có chủ ý. Các tầng cõi này, cũng chỉ là những bong bóng, không hơn. Khi chúng ta tỉnh dậy, bong bóng sẽ vỡ vụn, và sẽ chẳng có giấc mơ nào tiếp theo nữa.

Osho, hay Phật, hay Jesus, hay Krishnamurti. Những người đã tỉnh dậy, và không bao giờ mơ nữa. Họ đã tới với phúc lạc, và trở thành phúc lạc. Họ không ở trong các tầng cõi, họ là các tầng cõi. Họ quay trở lại rất nhiều lần với chúng ta, để lay chúng ta dậy không mệt mỏi. Họ nói rằng chúng ta đang mơ, mơ trong mơ trong mơ trong mơ. Nhưng chúng ta lại thích dựa dẫm vào cái mà chúng ta cho là tôn giáo, là kinh sách. Để từ đó, chúng ta cho rằng chúng ta đang đi trên con đường của họ.

Niềm tin của chúng ta được quy ra thành tiền, thành sức mạnh, thành công cụ. Niềm tin của chúng ta được quy đổi thành năng lượng, thành quyền lực. Ở cấp độ thô, họ bảo chúng ta phải trở thành ai đó. Ở cấp độ trung, họ bảo chúng ta hãy trở thành chính mình, nhưng giơ ra một cái đích để đạt được. Ở cấp độ cao, họ nói tin tưởng vào bản thân, và để trở thành người như họ, hoặc hơn họ.

Tôn giáo là khái niệm kết nối chúng ta với bên ngoài. Tính dục là khái niệm kết nối chúng ta với bên trong. Thực hiện được hai kết nối này, chúng ta sẽ hiểu chúng ta là ai, và chúng ta sẽ biết cần làm gì, và trở thành gì. Tuyệt không có một thứ gì khác, của bất kỳ ai khác tham gia vào quá trình đó. Hãy hình dung khi con tinh trùng chui vào trong trứng. Quá trình khóa xảy ra để quá trình hành động nối tiếp. Khi Tôn giáo và Tính dục hòa làm một trong chúng ta cũng như vậy. Nó sẽ khóa (lock), và hành động (action) sẽ tới. Ta sẽ không còn quan tâm tới ai là Phật, ai là Jesus, ai là Osho. Ta cũng không quan tâm tới tầng cõi nào ta sẽ tới. Chẳng có gì là như thế cả. Mọi thứ sau lưng chỉ là những bong bóng, vỡ tan không dấu vết.

Các bạn luôn là những linh hồn vô lượng tuổi, đi qua vô lượng các vì sao, và tới đây. Các bạn đã quên mất mình là ai. Bám chấp vào cơ thể, vào giáo điều, vào cái mà các bạn gọi là Tôn giáo. Cái tôn giáo vài nghìn năm đó chẳng là gì so với tuổi của các bạn.

Hãy thức giấc.

OM

-----------

Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.

Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

(Phần in nghiêng của ông Phật trích trong kinh Kalama Sutta nằm trong Tăng Chi Bộ Kinh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét