"Bao giờ chết thì chết. Tao đếch quan tâm, bởi vì nó chả phải vấn đề
của tao. Tao chỉ mong đừng có đùn ra quần dọc đường mà thôi."
Mặc dù mẹ tôi sinh ra trong một gia đình Công giáo, và bố tôi, bản thân
vốn không theo tôn giáo nào, hiểu rất sâu về Do Thái giáo, họ vẫn quyết
định nuôi tôi cùng hai ông anh dưới một mái nhà hoàn toàn vô đạo.
Bố tôi chẳng hâm mộ một tôn giáo có tổ chức nào cả. Ông là dân khoa
học, vì vậy ông tin vào khoa học, thế thôi. “Người ta có thể tin vào bất
cứ cái bỏ mẹ gì họ muốn. Con rùa là Chúa, cái gì cũng được, tao đếch
quan tâm. Tao có niềm tin riêng của tao,” ông trả lời vậy khi lần đầu
tiên tôi hỏi về Chúa lúcđang ăn sáng hồi mười một tuổi.
Trên
thực tế, lần duy nhất tôi được nếm mùi giáo dục tín ngưỡng là khi mẹ tôi
nhất định bắt tôi phải tiếp xúc với “gốc rễ Do Thái” của mình và gửi
tôi đến khu cắm trại ban ngày ở hạt San Diego dành cho trẻ em có một phụ
huynh Do Thái và một phụ huynh Công giáo muốn tìm hiểu thêm về Do Thái
giáo.
Tôi tham gia được ba buổi thì vị giáo sĩ phàn nàn với bố
mẹ tôi rằng suốt ngày tôi bắt ông ta chứng minh làm thế nào mà ông ta
biết là có Chúa. “Ờ, thế ông trả lời nó sao?” bố tôi hỏi vị giáo sĩ.
“Tôi thảo luận với cháu về vấn đề lòng tin, và Chúa đã…”
“Nghe
này, tôi nghĩ chẳng qua là nó ghét phải bỏ ngày Chủ nhật để học về điều
đó chứ chả có ý gì đâu,” bố tôi nói, cắt ngang lời vị giáo sĩ.
Chuyện có mỗi thế. Tôi không bao giờ quay lại nữa. Nhưng cuộc đụng độ
của tôi với tôn giáo lại chẳng liên quan gì đến chuyện tôi sợ chết.
Giống như rất nhiều người, lúc nào tôi cũng sợ chết và ám ảnh với câu
hỏi: “Mình đang làm cái gì ở đây?”
Và do lớn lên trong môi
trường không tôn giáo hay tâm linh, tôi chẳng bao giờ có được câu trả
lời hoặc bất cứ điều gì an ủi mỗi khi nỗi lo lắng xâm chiếm tâm trí tôi.
Thỉnh thoảng tôi lại nghe tin về một người nổi tiếng hay một người bạn
nào đó của gia đình qua đời, và tôi bắt đầu suy nghĩ về cái chết, thế
nào mà tôi lại chẳng biết được chuyện gì sẽ xảy ra với mình, và tôi sẽ
về đâu, nếu chẳng may tôi có hiểu được chuyện gì đang xảy ra đi nữa.
Lúc ý nghĩ của tôi tăng lên dồn dập cũng là lúc tim tôi bắt đầu đập
nhanh, da mặt tôi trắng bệch, và sau đó tôi phải nằm xuống. Khi tập bóng
chày ở trường, tôi nghe nói về một thằng bé học cùng phổ thông với tôi
bị chết vì đụng xe. Đúng như triệu chứng trước đó, tôi có cảm giác váng
vất đến mức phải nằm xuống, và khi đồng đội cùng huấn luyện viên hỏi tại
sao tôi lại nằm trên sân, tôi buộc phải đưa ra lời biện hộ
không-ai-thắc-mắc-gì-được: “Em nghĩ em bị tiêu chảy.”
Sau đó,
tôi nhận ra rằng dù có sợ hết hồn cái chết thì tôi cũng chưa chắc đã
chết ngay, vì vậy tôi phải học cách đối mặt với nó theo kiểu người lớn
càng sớm càng tốt.
Tôi quyết định nói chuyện với bố bởi vì bố là
người bình tĩnh nhất mà tôi từng gặp trong vấn đề chết chóc. “Bao giờ
chết thì chết. Tao đếch quan tâm, bởi vì nó chả phải là vấn đề của tao.
Tao chỉ mong đừng có đùn ra quần dọc đường mà thôi,” là câu nói tôi nghe
được từ miệng ông không ít lần. Tôi cũng muốn có thái độ đó. Hoặc ít
nhất thì tôi cũng muốn biết làm thế nào mà ông lại ung dung được như
thế.
Vì vậy một buổi sáng, khi ông đang ăn món Grape-Nuts ở chiếc
bàn nhà bếp và đọc báo, tôi ngồi xuống cạnh ông và rót cho tôi một bát.
Sau khi lắng nghe cả hai bố con nghiền hết hai khẩu phần hạt lúa mì và
lúa mạch nguyên chất nên dùng hàng ngày được vài phút, tôi mở miệng.
“Bố ơi, con có một câu hỏi.” Ông hé mắt qua tờ báo nhìn tôi.
“Gì thế?” ông hỏi.
Tôi bắt đầu lòng vòng từ đường quang sang đồng rậm, triết lý về tôn
giáo và khả năng có thiên đường địa ngục hay không, sau đó bố ngắt lời
tôi.
“Sắp đến câu hỏi chết tiệt nào đấy chưa?”
“Bố nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết?”
Ông đặt tờ báo xuống và xúc một thìa Grape-Nuts to tướng vào miệng.
“Ờ. Là hư vô vĩnh cửu,” ông thờ ơ đáp, sau đó cầm tờ báo lên và đọc tiếp.
“Bố nói ‘hư vô’ là sao?” tôi hỏi, cảm thấy tim mình bắt đầu đập rộn lên một chút.
Ông lại đặt tờ báo xuống. “Hư vô ấy, mày biết mà. Chả có gì cả. Giống
như, làm sao mà mô tả được bởi vì nó chẳng là cái gì cả. Bố không biết,
nếu nó khiến mày cảm thấy dễ chịu hơn, cứ hình dung một màn đêm tuyệt
đối, không tiếng động, không có gì cả.
Nghe thế nào?
Nhịp
tim tôi tăng nhanh hơn, và tôi bắt đầu cảm thấy váng vất. Tôi chỉ không
hiểu làm thế nào mà bố có thể tin được điều này và chấp nhận được nó.
Hơn nữa, định nghĩa của bố về cái chết chỉ thêm vào nỗi sợ của tôi một
điều rằng vấn đề này là vô hạn.
Tôi luôn ám ảnh về việc theo dõi
thời gian. Hồi ở trường đại học, một đêm tôi hút cần sa, mấy đứa bạn
cùng phòng về và thấy tôi ngồi bên lò vi sóng, đặt chế độ hẹn giờ mười
lăm giây hết lần này đến lần khác để đếm xem bao nhiêu phút đang trôi
qua. Bây giờ tôi lại được bảo là chẳng những không có kiếp sau mà những
gì tất cả chúng ta có được trong tương lai chỉ là hư vô vĩnh viễn. “Làm
thế nào mà bố biết được điều đó?
Bố không biết, chẳng qua chỉ là ý kiến của bố mà thôi,” tôi nói.
“Không. Chẳng phải ý kiến của bố. Đấy là điều xảy ra. Thực tế đấy,” ông trả lời, lại lôi tờ báo ra và bắt đầu đọc.
Tôi cảm thấy có thể mình sắp sửa chết, vì vậy tôi loạng choạng đứng dậy
và đi đến phòng bố mẹ tôi, mẹ tôi đang ngồi trên giường. Ngay lập tức,
bà nhận ra có chuyện không ổn. “Justy, trông con kinh quá! Có chuyện gì
thế?” bà hỏi, vỗ tay lên khoảng trống bên cạnh mình, ra hiệu cho tôi
ngồi xuống. Tôi kể cho bà nghe những điều bố vừa nói, và bà cố gắng an
ủi tôi bằng cách bảo rằng rõ ràng là bố chẳng biết gì về những điều xảy
ra sau khi chúng ta chết.
“Ông ấy chưa bao giờ chết, và đấy là cách duy nhất để người ta có thể biết, đúng không?” bà khẽ lẩm bẩm.
“Vâng, con nghĩ là mẹ nói đúng,” tôi trả lời, chưa tin cho lắm.
Đúng lúc đấy bố tôi đi vào và mẹ tôi nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt ông
rồi nói, “Sam này, anh hãy bảo với Justin là anh không biết điều gì sẽ
xảy ra sau khi người ta chết đi cả. Thằng bé biết vậy, chỉ cần anh thừa
nhận thôi.”
“Không được. Anh biết chính xác điều gì xảy ra, và đấy là thực tế.” Rồi bố ra khỏi phòng.
Đêm đó tôi ngủ rất ít. Tôi cố gắng suy nghĩ quanh vấn đề hư vô vĩnh
cửu. Lần gần đây nhất tôi bị khó ngủ đến thế là năm tôi mười lăm tuổi
khi thức gần hết đêm để nghiền ngẫm bộ phim Trở về tương lai II, suy
nghĩ đến tất cả khu vực lân cận tương tự ở Hill Valley có thể khiến
Michael J. Fox trở lại và thay đổi thời gian.
Lần đó tôi mất ngủ
vì phấn khích và bối rối; lần này chỉ nỗi sợ khiến tôi không tài nào
ngủ được. Sau khi trằn trọc gần hết đêm, cuối cùng tôi quyết định không
nằm nữa và lê xác ra khỏi giường vào lúc 5 giờ 30 sáng. Tôi bước ra khỏi
phòng và thấy bố đang ngồi bên bàn, ăn món Grape-Nuts. Ông bảo tôi ngồi
xuống, và tôi ngồi. “Mày có biết cái hay của vô cực không?” ông hỏi.
“Không ạ.”
“Nó không bao giờ mất. Mày, cơ thể mày, năng lượng bên trong, tất cả
đều đi đến một nơi nào đó, ngay cả khi mày đã chết. Không bao giờ mất
sạch cả.”
Rõ ràng là mẹ đã có lời với bố. “Như vậy bố nghĩ chúng
ta sẽ sống mãi? Giống như hồn ma hay những thứ tương tự như vậy?” tôi
cầu khẩn.
“Không. Lạy Chúa. Mày cần phải theo một lớp khoa học
bỏ mẹ nào đấy mới được. Tao đang cố gắng nói rằng những gì tạo nên bản
thân mày đã từng hiện hữu, và vẫn luôn luôn hiện hữu. Như vậy, thực ra
điều duy nhất mày cần lo lắng là cái phần hiện tại của mày bây giờ. Nơi
mày hiện hữu với một cơ thể, một cái đầu và tất cả những thứ vớ vẩn
tương tự. Cứ lo sống đi, chết là chuyện nhỏ.” Rồi ông đặt chiếc thìa
xuống, nhìn tôi, và đứng dậy.
“Giờ thì xin phép mày cho bố làm một trong những việc sướng nhất khi đang sống: ị một phát.”
Trích trong: Shit my daddy says.
---------------------------------------
Một cách giải thích khác về Now and Here, “Chánh niệm” dưới góc nhìn rất khó tả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét