Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Thầy Hạnh


Tôi đang đọc dở quyển Đập vỡ quả hồ đào của Thầy. Toàn bộ là về lời bình Trung quán luận của thầy Long thọ. Được tin thầy ngã bệnh vào chiều nay. Nghĩ cũng nên viết một vài lời.

Một ngày ở châu âu mùa này thường ngắn. Sáng 8h mặt trời mọc, tối 4h mặt trời lặn. Ngày u ám thì nhiều, ngày nắng thì ít. Lá cây quanh nhà đã rụng gần hết. Những thảm cỏ đầy lá xếp lớp kêu loạt xoạt khi bước chân qua. Gió nhiều và mưa lác đác. Người đi lại thưa thớt. Lối đi trong rừng tĩnh mịch chốc lại hiện ra một cái ghế gỗ để nghỉ chân điệu đà sơn trắng. Cảm thấy như những gì ồn ào trước kia đều ở dưới đế giầy.

Là một người thầy lớn, thầy đã có những bước đi dài trong suốt cuộc đời. Tạo được danh tiếng và sự nghiệp trong đường tu chánh pháp. Con đường của thầy ngày nay càng rộng mở và nhiều người đã đi theo chân thầy. Con đường của Phật giáo Đại thừa cho tới giờ chưa thấy ai có mô hình gần như nguyên bản và sát với thời Phật còn sống như Làng mai. Ngay cả ở Tây tạng khi Đại lai lạt ma chưa bị trục xuất cũng như vậy. Một nhánh nhỏ từ Trung quốc truyền sang Việt nam, rồi theo thầy tới tận bây giờ. Từ một mầm xanh, giờ đã là một rừng xanh.

Nhiều người từng nói tới thuyết tương đối, các sự việc tương đối. Nhưng có một việc tuyệt đối ít ai nhắc tới, ít ai tin, và ít ai hiểu thấu đáo. Không có ai thực sự ra đi cả. Việc ra đi để bắt đầu quay lại. Và việc quay lại để bắt đầu ra đi. Sinh để Tử. Tử để Sinh. Vì vậy Phật mới nói: "Có cái không sinh, không diệt, không có, không không, không thành, không hoại để làm chỗ quay về cho tất cả những cái có, không, sinh, diệt, thành, hoại." Sống trên đời với thân xác, phải hiểu tới lúc thân xác rời bỏ để bắt đầu một chu kỳ mới. Vẫn hy vọng thầy sớm khỏi bệnh, nhưng vẫn hiểu rằng tới lúc ai cũng phải ra đi.

Thiết nghĩ. Làng mai cũng là một hệ thống cộng đồng. Có các tương tác xã hội và đan xen các mối quan hệ của con người. Làng mai cũng như các hệ thống cộng đồng trước đây. Thời Osho, thời của Krishnamurti, hay kể cả thời của Phật. Một đặc điểm chung là có lãnh tụ tinh thần, người sáng lập và xây dựng nên hệ thống. Là ngôi sao, là tấm gương, là hơi thở, là cột sống của hệ thống. Mọi người đều lấy đó là chỗ dựa, là nơi gửi gắm. Mọi người đều tôn quý, trân trọng, yêu thương. Thậm chí là hình ảnh của những cá nhân trong cộng đồng mong muốn trở thành.

Thầy đi, việc hệ thống suy yếu hay đổ vỡ là việc tất nhiên. Nếu như đa số cá nhân trong hệ thống đó còn giữ suy nghĩ như trên. Khi chỗ dựa đã không còn, ngã hoặc bước đi loạng choạng là điều tất yếu. Tôi không dám dậy khôn các sư thầy, sư cô ở Làng mai. Nhưng lúc này là lúc mọi người cần nhớ những lời thầy. Một hơi thở ra ta biết, một hơi thở vào ta biết. An trú trong hiện tại. Mỉm cười và thở nhẹ ...

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tâm linh. Đó là tự thân. Thầy, chỉ đơn giản là người dẫn đường, không phải chỗ dựa dẫm. Thầy, đơn giản chỉ là bạn nếu mình đi đúng đường, không phải chỗ tôn thờ. Thầy, đơn giản chỉ là một linh hồn hướng dẫn những linh hồn khác, để rồi sự hướng dẫn đó lan tỏa khắp nơi. Hiểu thầy và tự thân tu tập là những điều quan trọng nhất ở mọi cấp độ, mọi môn phái tâm linh. Mỗi triết lý của mỗi tôn giáo có thể khác nhau khi bắt đầu. Nhưng nó đều kết thúc ở hai chữ Yêu Thương. Thời Bảo Bình, thời của Yêu thương. Tất cả những người thầy từ vài nghìn năm trở lại đây chỉ dậy hai chữ này.

Học yêu thật khó, vì người đời phải học bận, học tham, học ganh đua, học thù ghét. Nhưng chẳng sao, những người thầy vẫn cứ dậy, vì chúng ta không học được ở đời này, ta sẽ học được ở đời sau. Một hạt mầm thả vào trong chúng ta. Nếu không nẩy mầm lúc này, sẽ nẩy mầm vào lúc khác. Cứ học tất cả những thứ khác, việc học yêu sẽ tới. Đời vẫn sẽ luôn là những trải nghiệm tuyệt vời.

Tôi vẫn coi Thầy là một người bạn lớn. Tôi vẫn luôn học theo Thầy. Tôi vẫn đọc những bài viết của Thầy. Và tôi chúc cho Thầy cùng Làng mai mọi sự bình an.

MK.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét