Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Bạn có thể tưởng tượng


Điều vĩ đại nhất mà tôi cho rằng nó hiển nhiên có trong mỗi con người, đó là sự tưởng tượng. Và thế giới bên ngoài qua lục căn (6 giác quan) cộng với sự tưởng tượng sẽ nẩy ra những câu hỏi. Những câu hỏi, và quá trình đi tìm câu trả lời đã xây dựng nên thế giới mà chúng ta đang có.

Lý thuyết vững chắc từ thời Hy lạp cổ đại được đưa ra bởi Aristotle, sau đó được hệ thống lại bởi Ptolemy cho rằng: Trái đất là trung tâm của vũ trụ, nó đứng im và các vì sao quay xung quanh nó. Cả hệ thống vũ trụ như được khóa cứng trong các vòng xoay của những ngôi sao quanh Trái đất. Bên ngoài vũ trụ, bên ngoài màn đêm tối là không có gì. Mọi người (những nhà thông thái thời đó và mãi sau này) coi đây là một lý thuyết bất dịch qua gần 2000 năm. Thiên chúa giáo bám vào lý thuyết này kết hợp cùng với Kinh thánh như một minh chứng về sự đúng đắn của Chúa trời. Người tạo ra Trái đất, người tạo ra con người, là trung tâm của mọi trung tâm. Là duy nhất, là vĩ đại, là đúng.

Không rõ sự tưởng tượng có trước, hay nhờ quan sát và đặt câu hỏi có trước. Mà Copernicus (tiếng Balan: Kopernik) bắt tay vào đo đạc nghiên cứu bí mật nhằm thỏa mãn trí tò mò của mình trong chính một nhà thờ Thiên chúa với chức danh linh mục. Người ta cho rằng, Copernicus đã bắt đầu công trình của ông từ rất trẻ, khi còn là sinh viên. Ông chỉ thực sự bắt tay vào đo đạc nghiên cứu với ống kính thiên văn tự chế từ năm 1506 khi được phong linh mục tại Frombork- một nhà thờ tại miền bắc Ba lan. Bài báo đầu tiên đăng năm 1540, tức 34 năm sau khi ông bắt đầu. Quyển sách đầu tiên ra đời, cũng là kiệt tác duy nhất của ông hoàn thành vào ngày 24.5.1543. Copernicus chỉ kịp ghi vào đó vài dòng tặng giáo hoàng Paul 3 trước khi qua đời cùng ngày. Quyển sách, nó như một định mệnh của đời ông. Một sứ mạng.

Tác phẩm thay đổi toàn bộ cách nhìn vũ trụ từ thời Aristotle, Trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ nữa. Copernicus đã chỉ ra Mặt trời là trung tâm của một hệ mà ngày nay ta gọi là Thái dương hệ. Ông cũng chỉ và đặt tên cho các ngôi sao như chúng ta gọi hôm nay: sao Thổ, sao Mộc, sao Kim, sao Thủy, ...Ông mô tả chi tiết sự vận động của các hành tinh trong đó có Trái đất kèm các hình vẽ, giải thích chuyển động. Ông chỉ không thể giải thích, tại sao vạn vật sống trên Trái đất lại không thể văng vào vũ trụ bởi các chuyển động đó. Điều này, về sau Newton đã có đáp án.

Chỉ biết rằng, quyển sách như một quả bom giữa thế giới của những khoa học gia, triết gia. Nó gây chấn động đến nỗi xưởng in ấn nơi in quyển sách đã bị đập phá, những người phản đối tìm cách hủy cả phôi lẫn bản viết tay của tác giả. Quyển sách được mô tả có chứa những nội dung từ quỷ dữ, nó không thể đúng, và nó nhạo báng tất cả những người thông thái còn sống hay đã chết. Sự việc kéo dài ngày càng nghiêm trọng đến tận những năm 1615, 1616 khi mà Galileo tiếp tục đi theo con đường của Copernicus với những khám phá mới, thì tác phẩm này mới bị đưa vào danh sách cấm. Tròn 73 năm, thọ hơn 3 năm so với chính tuổi đời của Copernicus.

Ngày nay, những người hiểu biết về thế giới tâm linh thường phân chia ra Thiên đường và Địa ngục. Nơi người tốt đi lên, còn người xấu đi xuống. Nó cũng là một lý thuyết được hình thành từ những tôn giáo cổ xưa hàng nghìn năm trước. Từ những thực chứng được ghi chép trong sách vở, đến những thực chứng tai nghe mắt thấy. Từ những chuyến đi được kể lại, đến những cuộc trò chuyện mặt đối mặt. Chúng ta hầu như không hiểu, chúng ta chấp nhận nó. Cũng giống thời Aristotle, mọi người chấp nhận thuyết Địa tâm và không thể tưởng tượng được điều gì đang diễn ra bên ngoài màn đêm kia.

Nếu tôi nói rằng, không có Thiên đường hay Địa ngục nào cả. Mọi thứ vẫn đang nguyên vẹn ở đây, ngay lúc này, trong chính bạn. Tất cả nó đều đang được bầy tỏ không che giấu, chỉ có điều bạn không thể tưởng tượng được.

Thế giới 4.0 nơi con người dùng thiết bị kết nối với nhau tạo thành các hệ thống phục vụ hoàn hảo hơn cho cuộc sống. Nó đã có trong các mô phỏng xã hội thu nhỏ ở Mỹ, Nhật, Đức, Thụy điển, ... Nó chỉ đơn giản là sự đáp ứng tốt của máy móc chỉ với giọng nói, hay nhận dạng lệnh bằng cảm biến suy nghĩ. Nó đã có, nó không phải là tương lai. Nó chỉ đợi cơ hội để phổ cập toàn thế giới cũng như iphone, ipad.

Bạn có thể tưởng tượng chính thế giới bạn đang sống. Mọi suy nghĩ, lời nói, hành động, cảm xúc của bạn đều là dữ liệu được cập nhật liên tục lên một icloud. Nhưng suy nghĩ là dữ liệu ở một tầng cao hơn với tầng lời nói hay hành động. Tưởng tượng là một tầm cao nữa trên với suy nghĩ. Và cảm xúc là một dạng dữ liệu ở tầng cao hơn nữa. Chỉ một vết ngứa, bạn gãi và chửi rủa con muỗi - toàn bộ dữ liệu sẽ được cập nhật trực tiếp và lưu trữ mãi mãi. Thời gian không có giá trị, nói cách khác là không phải là đại lượng được đong đếm trong thế giới dữ liệu này.

Bạn có thể tưởng tượng, bạn là một cỗ máy sinh học. Cỗ máy hết tuổi thọ, nó được phân rã để tái sử dụng. Phần mềm để chạy cho cỗ máy đó được kiểm tra toàn bộ vòng đời từ khi nó bắt đầu hoạt động. Nếu phần mềm dính nhiều virus, nó sẽ được chạy quét qua một chương trình để diệt, với những loại virus khó diệt hơn, nó lại được quét qua một phần mềm khác cao cấp hơn. Quá trình này, bạn có thể gọi là địa ngục, tùy bạn.

Nếu phần mềm không có vấn đề, nó được nâng cấp để cập nhật thêm các bản vá mới. Quá trình này diễn ra tùy theo từng cỗ máy, các bản vá hoặc nâng cấp tùy ý lựa chọn. Phần mềm tự quyết định sẽ quay trở lại một cỗ máy khác để tìm lỗi hoặc tự quyết định sẽ nâng cấp sang một dạng cỗ máy khác tùy nó. Quá trình này, bạn có thể gọi là thiên đường, tùy bạn.

Hệ thống được vận hành một cách hoàn toàn tự động. Từ phần mềm, bản vá, chương trình diệt virus, bản update, icloud, ... Thật khó để nghĩ được lại có thứ gì kỳ quặc như thế, tự vận hành mà không có điều khiển. Nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu bạn nghĩ về trái tim tự bơm máu, tủy sống tự sinh ra máu, tế bào tự sinh ra, hệ thống miễn dịch tự bảo vệ bạn thì bạn sẽ thấy bạn kỳ diệu như thế nào.

Rồi, bạn nghĩ là mỗi cỗ máy chỉ có một phần mềm. Nhưng thực tế, luôn có những phần mềm lớn (2) hơn chờ sự hoàn thiện riêng biệt trong mỗi cỗ máy (1) riêng biệt để nếu nó muốn nâng cấp thì sẽ trở thành miếng ghép trong bức tranh có tên phần mềm lớn. Phần mềm lớn này, sẽ lại chạy trong một cỗ máy lớn (2) mà nếu tưởng tượng bạn sẽ nghĩ nó phải to lớn hơn rất nhiều. Nhưng thực tế cũng cho thấy nó cỗ máy lớn (2) này có thể là bất kỳ ai, hay bất kỳ cái gì mà nó muốn trở thành. Điều mà cỗ máy (1) không thể làm được. Và cũng trong thực tế, những cỗ máy này không dừng lại ở 1, 2, hay 3, mà nó là vô hạn.

Trong chương 1 của quyển Lược sử thời gian của Stephan Hawking viết rằng: "Một nhà khoa học nổi tiếng (hình như là Bertrand Russell) một lần đọc trước công chúng một bài giảng về Thiên văn học. Ông đã mô tả trái đất quay quanh mặt trời như thế nào và đến lượt mình, mặt trời lại quay quanh tâm của một quần thể khổng lồ các vì sao - mà người ta gọi là thiên hà - ra sao. Khi bài giảng kết thúc, một bà già nhỏ bé ngồi ở cuối phòng đứng dậy và nói: “Anh nói với chúng tôi chuyện nhảm nhí gì vậy? Thế giới thực tế chỉ là một cái đĩa phẳng tựa trên lưng một con rùa khổng lồ mà thôi”. Nhà khoa học mỉm một nụ cười hạ cố trước khi trả lời: “Thế con rùa ấy tựa lên cái gì?”. “Anh thông minh lắm, anh bạn trẻ ạ, anh rất thông minh”, bà già nói, “nhưng những con rùa cứ xếp chồng lên nhau mãi xuống dưới, chứ còn sao nữa”.

Nhiều người chắc thấy rằng bức tranh về vũ trụ của chúng ta như một cái thang vô tận gồm những con rùa chồng lên nhau là chuyện khá nực cười, nhưng tại sao chúng ta lại nghĩ rằng chúng ta hiểu biết hơn bà già nhỏ bé kia?"

Tôi cũng thế, tôi cũng chỉ có thể tưởng tượng thôi.

7 nhận xét: